Hôm 15/6, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết, phát biểu trước đó của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl về khả năng tăng cường cung cấp Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cho Ukraine là vô cùng quan ngại, cho thấy Washington hướng tới leo thang xung đột.

"Việc một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tìm kiếm khả năng mở rộng nguồn cung cấp các hệ thống vũ khí tầm xa gây lo ngại nghiêm trọng. Phát biểu này có thể được coi là ý định của Washington nhằm hướng đến leo thang hơn nữa. Nó chỉ khẳng định rằng người Mỹ không có ý định tìm kiếm một giải pháp hòa bình.", Đại sứ Antonov nói.

leftcenterrightdel
 Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. Ảnh: AFP.

Phát biểu của quan chức Lầu Năm Góc được đưa ra trước thềm cuộc họp của Mỹ và đồng minh để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine.

Liên quan đến vấn đề, hôm 14/6, đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy về việc cung cấp thêm vũ khí tầm xa cho nước này để đối phó với Nga ở thời điểm quyết định sự thắng bại trong cuộc giằng co ở các thành phố trọng điểm khu vực Donbas, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg cho biết, ông đồng ý rằng, Kyiv nên được cung cấp nhiều vũ khí hạng nặng hơn.

Phát biểu sau cuộc hội đàm không chính thức tại Amsterdam với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và các nhà lãnh đạo của Đan Mạch, Ba Lan, Latvia, Romania, Bồ Đào Nha và Bỉ trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra ở Madrid vào cuối tháng, ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh việc NATO cần phải hiện diện mạnh mẽ hơn dọc biên giới của khối, cũng như thiết lập sự sẵn sàng ở cấp độ cao hơn trong bối cảnh mới.

Văn Phong/TASS, Reuters