Hôm 1/6, giờ địa phương, trong một cuộc họp báo ở Washington với sự tham dự của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố gói viện trợ quân sự thứ 11, trị giá 700 triệu đô la cho Ukraine. Đây là một phần của khoản hỗ trợ bổ sung 40 tỉ USD cho Kyiv vừa được Quốc hội Mỹ thông qua.

“Hỗ trợ quân sự của Mỹ sẽ củng cố khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm chiến thắng trên chiến trường, cũng như củng cố vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán.”, ông Blinken cho biết.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra tuyên bố về gói hỗ trợ quân sự mới cho Kyiv.

“Tôi đang công bố một gói hỗ trợ an ninh quan trọng mới nhằm cung cấp viện trợ kịp thời và khẩn cấp cho quân đội Ukraine. Nhờ khoản tài trợ bổ sung cho Ukraine, được thông qua với sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng Quốc hội, Mỹ sẽ có thể tiếp tục cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí hơn để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.", ông Biden nói; lưu ý, gói hỗ trợ sẽ trang bị cho Ukraine những khả năng mới với vũ khí tiên tiến, bao gồm Hệ thống pháo phản lực cơ động cao đặt trên xe bánh lốp (HIMARS) cùng với đạn dược để bảo vệ lãnh thổ. 

leftcenterrightdel
 Hệ thống pháo phản lực cơ động cao đặt trên xe bánh lốp (HIMARS). Ảnh: Joseph P. LeVeille/ Không quân Mỹ.

Gói vũ khí bao gồm 4 hệ thống tên lửa HIMARS, 1.000 tên lửa chống tăng Javelin, vũ khí chống thiết giáp, đạn pháo, trực thăng, radar giám sát đường không, phương tiện chiến thuật và phụ tùng để giúp Ukraine tiếp tục bảo trì thiết bị.

Tuy nhiên theo các quan chức Mỹ, hệ thống HIMARS cung cấp cho Ukraine có tầm bắn giới hạn 80 km, thấp hơn nhiều so với phạm vi tối đa của hệ thống vốn lên tới khoảng 500 km, nhưng là loại đạn có tầm bắn xa nhất mà Ukraine nhận được cho đến nay.

Gói viện trợ quân sự mới được công bố trong bối cảnh giao tranh ở Severodonetsk, thành phố lớn nhất và duy nhất ở Donbas mà Ukraine còn kiểm soát, đang diễn ra ác liệt. Nga đang tập trung hỏa lực tấn công trong nỗ lực quyết tâm đánh chiếm Severodonetsk, để có thể kiểm soát hoàn toàn Donbas, miền đông Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hi vọng việc tăng cường vũ khí tầm xa của Ukraine sẽ giúp thúc đẩy Moscow đàm phán chấm dứt chiến tranh, hiện đã bước sang tháng thứ tư.

leftcenterrightdel
 Máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle của Mỹ. Ảnh: Reuters/US Army / Spc. Latoya Wiggins.

Với việc các hệ thống tên lửa tiên tiến Mỹ cung cấp cho Ukraine có thể tấn công chính xác vào các mục tiêu tầm xa của Nga, Moscow cáo buộc Washington “đổ thêm dầu vào lửa". Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc cung cấp các bệ phóng tên lửa làm tăng nguy cơ "nước thứ ba" bị lôi vào cuộc xung đột.

Trước những lo ngại việc Mỹ cung cấp vũ khí tiên tiến và tầm xa hơn cho Ukraine có thể khiến xung đột leo thang, trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Antony Blinken nói, Ukraine đã đảm bảo sẽ không sử dụng các hệ thống vũ khí do Mỹ cung cấp để “chống lại các mục tiêu trên lãnh thổ Nga”. 

Trước đó hôm 31/5, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Newsmax của Mỹ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không có ý định sử dụng các hệ thống tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga.

Nói với truyền thông hôm 1/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, không tin những tuyên bố của Tổng thống Ukraine Zelensky.

Liên quan đến hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, nguồn tin quân sự Washington cho biết, chính quyền của Tổng thống Biden có kế hoạch cung cấp cho Ukraine 4 máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle tiên tiến, được trang bị tên lửa Hellfire mạnh mẽ và có thể bay tới hơn 30 giờ để thực hiện các nhiệm vụ tấn công hoặc thu thập dữ liệu tình báo.

Văn Phong/CNN, Reuters, TASS