Hôm 28/12, Liên Hợp Quốc cho biết một số chương trình cấp thiết ở Afghanistan đã tạm thời bị đình lại; đồng thời cảnh báo nhiều hoạt động khác cũng có thể sẽ phải như vậy do chính quyền Taliban cấm nhân viên nữ làm việc tại các tổ chức phi chính phủ, trong đó chủ yếu là các tổ chức có hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Trong một tuyên bố, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths, cho biết, sự tham gia của phụ nữ trong việc cung cấp viện trợ là không thể bàn cãi và phải được tiếp tục; kêu gọi chính quyền Taliban đảo ngược quyết định.

“Việc cấm phụ nữ tham gia các hoạt động nhân đạo có hậu quả đe dọa tính mạng lập tức đối với tất cả người dân Afghanistan. Hiện tại, một số chương trình cấp bách đã phải tạm thời dừng lại do thiếu nhân viên nữ.”, tuyên bố viết; nhấn mạnh, LHQ sẽ nỗ lực để tiếp tục các hoạt động cứu người khẩn cấp, tuy nhiển e rằng nhiều hoạt động sẽ phải tạm dừng vì không thể cung cấp hỗ trợ nhân đạo theo nguyên tắc nếu không có các nữ nhân viên.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ phải mang khăn trùm đầu ở nơi công cộng. Ảnh: Javed Tanveer / AFP / Getty.

“Không quốc gia nào lại loại trừ một nửa dân số của mình đóng góp cho xã hội.”, tuyên bố cho biết, cùng được ký bởi những người đứng đầu Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn và quyền con người.

Hôm 25/12, bốn tổ chức toàn cầu lớn có hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Afghanistan, cho biết đang tạm dừng hoạt động vì không thể điều hành các chương trình của mình mà không có nhân viên nữ.

leftcenterrightdel
 Sau khi trở lại nắm quyền vào tháng 8 năm ngoái, Taliban đã đình chỉ nữ sinh học trung học và hiện đã đình chỉ nữ sinh tới trường đại học. Ảnh: UNAMA / Fraidoon Poya.

Tuyên bố của Liên Hợp Quốc cho biết, lệnh cấm nữ giới làm việc tại các tổ chức nhân đạo được đưa ra vào thời điểm hơn 28 triệu người ở Afghanistan cần được hỗ trợ để tồn tại khi đất nước vật lộn với nguy cơ xảy ra nạn đói, suy kiệt kinh tế, nghèo đói và mùa đông khắc nghiệt.

Hôm 27/12, người đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc Volker Turk, đã kêu gọi chính quyền Taliban thu hồi lập tức một loạt các chính sách nhắm vào quyền của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan, lưu ý các chính sách này gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống của giới nữ,blàm gia tăng tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái đối với bạo lực tình dục cũng như bạo lực gia đình; đồng thời gây bất ổn quốc gia.  

“Không một quốc gia nào có thể phát triển, thực sự tồn tại, về xã hội và kinh tế với một nửa dân số bị loại trừ. Những hạn chế không thể hiểu được này đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ làm gia tăng sự đau khổ của người dân Afghanistan mà tôi lo ngại còn gây ra nguy cơ vượt ra ngoài biên giới đất nước.”, Cao ủy về nhân quyền LHQ cho biết.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ Afghanistan biểu tình ở thủ đô Kabul sau khi họ bị cấm theo học đại học. Ảnh: AP.

Ông Turk kêu gọi các nhà chức trách tôn trọng và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trên thực tế, bảo đảm giới nữ có thể tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế, phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế của nước này.  

Phát biểu trước những chính sách mới của chính quyền ở Afghanistan, hôm 28/12, Tổng thư ký LHQ, bày tỏ, những hạn chế mới nhất của Taliban đối với việc làm và giáo dục của phụ nữ và trẻ em gái là những vi phạm nhân quyền không thể biện minh và phải bị thu hồi.

Người đứng đầu LHQ lưu ý, những chính sách này đang tạo ra những đau khổ và rào cản lớn trong việc khai thác tiềm năng của người dân Afghanistan.

Ngày 24/12, chính quyền Taliban  đã ban hành quy định cấm phụ nữ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ (NGO). Lệnh cấm mới nhất theo sau việc đình chỉ giáo dục đại học đối với phụ nữ vào tuần trước và trung học đối với trẻ em gái hồi tháng Ba.

Văn Phong/Reuters, LHQ