Taliban đã gõ cửa từng nhà ở phía tây Afghanistan để tìm kiếm một nhà báo của hãng tin Đức Deutsche Welle (DW), nhưng ông hiện đang làm việc ở Đức. Trong một vụ tấn công nhắm vào gia đình nhà báo này ở quê nhà, được nói do các chiến binh Taliban thực hiện, một người đã bị bắn chết, một người bị thương nặng, những người khác đã trốn thoát và đang trốn chạy, báo cáo cho biết.

“Việc Taliban giết hại một người thân của một trong những biên tập viên của chúng tôi là vô cùng tàn nhẫn và chứng tỏ mối nguy hiểm mà tất cả nhân viên của chúng tôi và gia đình của họ đang ở Afghanistan phải đối mặt. Taliban dường như đã tiến hành một cuộc truy lùng có tổ chức các nhà báo ở Kabul và các tỉnh.", Giám đốc DW, Peter Limbourg, cho biết.

Theo DW, nhà của ít nhất 3 nhà báo của hãng tin này đã bị Taliban lục soát. Các đồng nghiệp từ các phương tiện truyền thông khác đã bị bắt cóc hoặc giết hại. Nematullah Hemat của Đài truyền hình tư nhân Ghargasht TV có lẽ đã bị Taliban bắt cóc, Toofan Omar, người đứng đầu Đài phát thanh tư nhân Paktia Ghag Radio, bị các chiến binh Taliban giết hại, theo nhà chức trách.

leftcenterrightdel
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi kiểm soát thủ đô Kabul và trở lại nắm quyền ở Afghanistan, phát ngôn viên của Taliban Sabihullah Mujahid (giữa) nhiều lần nhấn mạnh cam kết tôn trọng quyền phụ nữ. Ảnh: AP.

Trong một bức thư ngỏ, DW cùng với các phương tiện truyền thông khác, bao gồm tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ), kêu gọi Chính phủ liên bang cấp thị thực khẩn cấp cho các nhân viên của họ ở Afghanistan.

Người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Đài phát thanh- truyền hình Afghanistan (RTA), Shabnam Dauran, cho biết, cô không thể làm việc sau khi Taliban lên nắm quyền. "Tôi được thông báo rằng tôi không thể tiếp tục công việc của mình vì tình hình đã thay đổi.", Shabnam Dauran nói trong một video hôm 19/8.

“Bất cứ ai nghe thấy điều này và nếu thế giới nghe thấy tôi, xin hãy giúp chúng tôi, cuộc sống của chúng tôi đang gặp nguy hiểm.”, Dauran kêu cứu. Không giống như các đồng nghiệp nam của mình, cô không được phép vào văn phòng của Đài truyền hình ngay cả khi xuất trình thẻ căn cước.

Khi nắm quyền ở Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, Taliban đã áp đặt các qui tắc Sharia, luật Hồi giáo hà khắc trên đất nước. Phụ nữ không được phép làm việc, các trường học dành cho nữ sinh bị đóng cửa. Hình phạt cho các hành vi vi phạm pháp luật thường rất tàn nhẫn. Kẻ trộm sẽ bị chặt tay. Phụ nữ bị tố ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết.

Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul hôm 15/8 và nắm quyền ở Afghanistan, Taliban đã tổ chức họp báo, trong đó nhiều lần nhấn mạnh cam kết tôn trọng quyền phụ nữ. Theo đó, phụ nữ được phép tiếp tục làm việc, tuy nhiên “trong khuôn khổ” và phải phù hợp với "các nguyên tắc của đạo Hồi".

Huy Anh/Faz