Theo dữ liệu của Liên hợp quốc (LHQ), dân số của Latvia vào năm 2020 ước tính là 1.886.198 người tính đến thời điểm giữa năm. Vào đầu năm 2022, dân số của Latvia giảm xuống khoảng 1.876.000 người, gần 17.500 người so với một năm trước đó. Dân số hiện tại của Latvia là 1.826.608 tính đến ngày 17/5/2023, dựa trên dữ liệu mới nhất của LHQ, giảm gần 60.000 người so với năm 2020.

Trong nhiều năm, vấn nạn “chảy máu chất xám” đã diễn ra liên tục tại Latvia, khi những người trẻ được đào tạo và có trình độ cao quyết định rời khỏi đất nước. Kể từ khi Latvia trở thành thành viên của E.U và khu vực Schengen, trong bối cảnh tìm việc làm ở các quốc gia khác trở nên đặc biệt dễ dàng, nguồn nhân lực rời khỏi đất nước ngày càng tăng cao, dẫn đến tình trạng sụt giảm dân số nghiêm trọng tại Latvia.

leftcenterrightdel
 Vấn nạn “chảy máu chất xám” đã diễn ra liên tục tại Latvia, khi những người trẻ được đào tạo và có trình độ cao quyết định rời khỏi đất nước.

Gần đây, số lượng cư dân của Latvia tiếp tục giảm mạnh. Vào đầu năm 2022, Latvia chỉ có khoảng 234.500 nam và nữ từ 13 đến 25 tuổi sống trên cả nước, chiếm 12,5% tổng số dân. Đằng sau sự giảm sút của nhóm này không chỉ là tỷ lệ sinh giảm, mức sống giảm mà còn là tình trạng di cư. Những người trẻ và tài năng không muốn ở lại Latvia.

Một lý do mới để thanh niên rời khỏi Latvia đã xuất hiện trong năm nay, đó là việc nước này khôi phục lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Quyết định trên được Quốc hội Latvia thông qua ngày 5/4 vừa qua. Latvia đã bãi bỏ việc áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc kể từ năm 2007. Từ năm 2024 trở đi, số lượng lính nghĩa vụ sẽ tăng lên. Kế hoạch của Latvia là gọi 7.500 thanh niên nhập ngũ mỗi năm, bắt đầu từ năm 2028. Điều này sẽ tăng quy mô quân đội Latvia từ hơn 22.000 lên 50.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng chính quy và lực lượng dự bị.

Hầu hết người dân Latvia đều không muốn gia nhập quân đội. Một nghiên cứu vào tháng 5/2022 cho thấy hơn 40% người dân phản đối điều này. Theo Maris Andzans, Giáo sư tại Đại học Riga Stradins, sự ủng hộ của những người trẻ tuổi thấp hơn, chỉ có 34% trong độ tuổi 18-24 ủng hộ chính sách mới của Chính phủ Latvia.

Một số thành viên của cộng đồng thiểu số nói tiếng Nga ở Latvia hoài nghi về những gì họ cho là đường hướng thân phương Tây của nước này. Những người nói tiếng Nga chiếm khoảng 1/4 dân số của Latvia và gia nhập quân đội Latvia không phải là điều họ muốn làm. Do đó, nhiều người đang có kế hoạch rời khỏi Latvia. Điều này dẫn đến nguy cơ xuất hiện hiện tượng “cạn kiệt đàn ông” khi những người trẻ tiếp tục di cư khỏi đất nước.

Minh Anh/Theo Modern Diplomacy