Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Iran, Seyyed Ahmad Hosseini, cho biết, tên lửa đẩy mang tên Zoljanah đã được phóng lên vũ trụ vào ngày 26/6, là lần thử nghiệm thứ 2 với mục đích nghiên cứu.

Zoljanah, còn được gọi là Zuljanah, sản xuất bởi Bộ Quốc phòng và được công bố vào ngày 1/2/2021, thiết kế để mang vệ tinh lên quỹ đạo trái đất thấp.

Về mặt kỹ thuật, tên lửa đẩy của Iran có thể so sánh với các tên lửa đẩy hiện đại trên thế giới, ông Hosseini cho biết.

leftcenterrightdel
 Iran phóng tên lửa đẩy Zoljanah lần thứ hai, ngày 26/6. Ảnh: Tasnimnews.

Truyền thông Iran không cho biết thông tin chi tiết cũng như địa điểm thực hiện vụ phóng. Trước đó hôm 14/6, các hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies cho thấy một tên lửa đã được lắp đặt trên bệ phóng tại Sân bay vũ trụ Imam Khomeini trên vùng sa mạc thuộc tỉnh Semnan, địa điểm từng thực hiện nhiều vụ phóng vệ tinh của Tehran.

Tên lửa đẩy Zuljanah ba giai đoạn, dài 25,5 m, sử dụng nhiên liệu rắn trong giai đoạn đầu và giai đoạn hai, nhiên liệu lỏng giai đoạn ba. Đây là tên lửa đẩy mới dựa trên công nghệ động cơ nhiên liệu rắn mạnh nhât mà các chuyên gia Iran lần đầu tiên đạt được, có lực đẩy 750 tấn, có khả năng đưa vệ tinh nặng 220 kg lên quỹ đạo cách mặt đất 500 km; mặt khác có khả năng phóng từ các bệ phóng di động, theo Bộ Quốc phòng Iran.

leftcenterrightdel
  Hình ảnh vệ tinh Maxar Technologies cho thấy một tên lửa chuẩn bị được dựng lên tại bệ phóng ở Sân bay Vũ trụ Imam Khomeini, đông nam Semnan, Iran ngày 14/6. Nguồn: 2022 Maxar Technologies / AP.

Tehran đã lên kế hoạch thực hiện 3 vụ phóng tên lửa đẩy Zoljanah, trong đó vụ phóng đầu tiên được thực hiện vào tháng 2/2021.

Vụ phóng diễn ra chỉ một ngày sau khi người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, đến Tehran trong nỗ lực khôi phục các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vốn bế tắc trong nhiều tháng. 

Hôm 25/6, ông Borrell cho biết, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) sẽ được nối lại tại một quốc gia vùng Vịnh Ba Tư trong những ngày tới. Truyền thông Iran bật mí, Qatar có khả năng sẽ là nước chủ trì các cuộc đàm phán.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Tehran đáp trả bằng cách tăng cường nghiên cứu hạt nhân của mình và hiện làm giàu uranium gần với cấp độ vũ khí hơn bao giờ hết.

leftcenterrightdel
 Video vụ phóng tên lửa đẩy Zoljanah lần thứ hai, ngày 26/6. Nguồn: Fars.

Gần đây, Iran đã gỡ bỏ hơn hai chục máy ảnh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA khỏi các địa điểm hạt nhân của mình.

Mỹ cáo buộc Iran theo đuổi chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa, ngụy trang bằng chương trình không gian cụ thể là tên lửa đẩy có công nghệ tương tự, điều Tehran luôn phủ nhận.

Hôm 26/6, Nhà Trắng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác để ngăn chặn tiến bộ hơn nữa trong chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Văn Phong/Truyền thông Iran, AP