Ngày 14/5, truyền thông quốc tế đã có những chỉ trích đối với bộ phận phát ngôn thuộc Lực lượng phòng vệ Israel (IDF), cho rằng, báo chí đã bị lừa đăng tải thông tin bộ binh Israel đã xâm lược Dải Gaza.

Trước đó, vào 0h22’ rạng sáng ngày 14/5, IDF thông báo trên Twitter một thông tin lấp lửng, mơ hồ, rằng, lực lượng mặt đất của họ đã bắt đầu tấn công ở Dải Gaza. Truyền thông quốc tế lập tức loan tin với độc giả trên toàn thế giới về một cuộc tấn công/xâm lược Gaza đang diễn ra.

Trong khi sự mơ hồ của thông tin không xuất hiện ở trang mạng phiên bản tiếng Do Thái. Truyền thông phương Tây sau đó đã thẩm định thông tin từ Đại tá Conricus, một phát ngôn viên của IDF, được ông này cả quyết rằng, quân đội Israel đang ở bên trong Gaza.

leftcenterrightdel
Lực lượng mặt đất Israel rầm rộ tập trung gần biên giới với Gaza rạng sáng 14/5 như thể chuẩn bị xâm lược Gaza. Ảnh: Dan Balilty/nytimes. 

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, tất cả các tin tức trên báo chí phương Tây đã được đính chính: Không có cuộc xâm lược nào diễn ra. Thay vào đó, các binh sĩ mặt đất của IDF đã nổ súng vào các mục tiêu ở Gaza từ bên trong lãnh thổ Israel, trong khi máy bay chiến đấu và máy bay không người lái tiếp tục tấn công từ trên không. Phát ngôn viên nói tiếng Anh của IDF, Trung tá Jonathan Conricus, nhấn mạnh, thông tin sai lệch là lỗi của chính ông, do hiểu nhầm và đã phát hành nó mà không xác minh đầy đủ.

Tối cùng ngày, một số hãng thông tấn hàng đầu của Israel đưa tin, thông báo không chính xác không phải là do tai nạn, mà thực sự là một phần của một kế sách của IDF, mục đích là để lừa các chiến binh Hamas nghĩ rằng một cuộc xâm lược đã bắt đầu dẫn đến những phản ứng của Hamas có lợi cho Israel.

leftcenterrightdel
Pháo binh Israel bắn vào Gaza đêm 13, rạng sáng 14/5. Ảnh: Dan Balilty/nytimes. 

Thực tế, trên báo chí tiếng Do Thái, IDF được ca ngợi vì đã dụ các chiến binh Hamas vào một mạng lưới đường hầm ở phía bắc Gaza, để rồi sau đó sẽ bị tiêu diệt bởi 160 máy bay phản lực của Israel tấn công trong một cuộc tấn công tàn khốc với hơn 450 quả bom được thả xuống.

“Đây là cách mà các đường hầm trở thành bẫy tử thần đối với các tay súng ở Gaza”, Kênh truyền hình Channel 12 của Israel nói, dẫn một nguồn từ quân đội, trong đó gọi việc đưa thông tin sai lệch cho truyền thông nước ngoài là một “âm mưu có tính toán”.

leftcenterrightdel
Những người biểu tình ủng hộ người Palestine trong cuộc biểu tình chống lại Israel, ở trung tâm London vào ngày 11/5. Ảnh: Justin Tallis / AFP. 

Đại tá Conricus, phát ngôn viên của IDF, giải thích, quân đội Israel quả thực có ở bên trong Gaza, nhưng chỉ là vài mét qua biên giới; đồng thời thừa nhận, quân đội thực sự đã tìm cách đánh lừa các chiến binh ở Gaza, thông qua các chiến thuật như ồn ào di chuyển một số lượng lớn xe tăng và xe bọc thép khác đến biên giới, như thể một cuộc xâm lược thực sự đang xảy ra.

Ông Conricus nói, mục tiêu là khiến các đội tên lửa chống tăng Hamas xuất hiện từ nơi ẩn nấp và bắt đầu bắn vào các lực lượng Israel, dẫn đến để lộ mục tiêu; mặt khác, lừa các chiến binh Palestine khác rút vào mạng lưới đường hầm dưới lòng đất, điều mà IDF mong đợi và tin rằng, sẽ giúp họ tiêu diệt chiến binh Hamas từ trên không.

leftcenterrightdel
Một cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ở khu trung tâm Manhattan, New York trong bối cảnh bạo lực đang tiếp tục leo thang ở Israel và Gaza vào ngày 11/5. Ảnh chụp màn hình / Twitter. 

Chưa có thông tin cụ thể về thiệt hại sau cuộc không kích dữ dội của quân đội Israel, tuy nhiên, truyền thông Israel nói, với 150 mục tiêu bị tấn công đồng loạt, nhiều cây số đường hầm của Hamas ở Gaza đã bị phá hủy khiến hệ thống này phải đóng cửa; và, IDF tin rằng, rất nhiều chiến binh Hamas, bao gồm các chỉ huy của lực lượng này đã bị tiêu diệt.

Trong bối cảnh Israel tăng cường hoạt động quân sự ở Gaza, có nhiều lo ngại rằng người Do Thái ở châu Âu sẽ bị nhắm mục tiêu với các vụ tấn công bạo lực bùng phát, điều đã từng xảy ra trong các năm 2000, 2009 và 2014, khi quân đội Israel tấn công Hamas. Hàng trăm cuộc tấn công đã được ghi nhận ở châu Âu, trong đó rất nhiều giáo đường Do Thái ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha,.. đã bị đốt phá, tờ Thời báo Israel viết.

leftcenterrightdel
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động ở Sarcelles, ngoại ô Paris vào ngày 20/7/2014, trong cuộc biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza và thể hiện sự ủng hộ đối với người dân Palestine. Ảnh: AFP / Omar Bouyacoub. 

Ngày 12/5, khoảng 200 người ở thành phố Gelsenkirchen, miền tây nước Đức, đã tuần hành tới một giáo đường Do Thái địa phương phản ứng trước tình hình bạo lực leo thang ở Gaza. Trong khi trước đó, ngày 11/5, tại London, một nhà hoạt động ủng hộ Israel đã bị đám đông biểu tình phản đối hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, ném đá vào đầu.

Huy Anh/nytimes, Timesofisrael