Trong một thông cáo ngày 29/12, Trung tâm Carter- một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1982 bởi cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và phu nhân, cho biết, Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (1977-1981), người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2002, đã qua đời thanh thản trước đó cùng ngày tại nhà riêng ở TP Plains, bang Georgia.
Ông Carter (SN 1924), tròn 100 tuổi vào ngày 1/10/2024, là vị Tổng thống sống lâu nhất trong lịch sử Mỹ.
Theo thông cáo, sẽ có các buổi lễ tưởng niệm công khai tại Atlanta và Washington, D.C, sau đó là lễ an táng tại quê nhà Plains, Georgia.
Gia đình Carter đã yêu cầu thay vì viếng hoa, mọi người có thể sử dụng tiền ấy để góp vào quỹ của Trung tâm Carter, để phục vụ các mục tiêu nhân đạo.
|
|
Jimmy Carter- Tổng thống thứ 39 của nước Mỹ (1977-1981) Nguồn: Trung tâm Carter. |
Ông Carter thất bại trong cuộc đua đầu tiên giành chức Thống đốc Georgia vào năm 1966. Bốn năm sau, ông tái tranh cử và giành chiến thắng.
Năm 1973, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Toàn Quốc của Đảng Dân chủ trong các cuộc bầu cử Quốc hội năm 1974.
Năm 1976, Carter là ứng cử viên đại diện của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông đã vượt qua Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ Gerald Ford với chiến thắng sít sao.
Nhiệm kì Tổng thống của ông đánh dấu với sự suy thoái khi nước Mỹ gánh chịu những thiệt hại nặng nề sau Chiến tranh Việt Nam, cùng với sự trì trệ kinh tế trong nước.
|
|
Ông Carter và phu nhân Rosalynn Carter trong bức ảnh được Trung tâm Carter đăng tải tháng 3/2023. Nguồn: Trung tâm Carter. |
Trong cương vị Tổng thống, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam. Trong ngày đầu tiên tại Phòng Bầu Dục, ông kí lệnh ân xá cho những người trốn nghĩa vụ quân sự để tránh bị đưa sang Việt Nam.
Những thành tựu đáng chú ý nhất của chính quyền Carter là trong lĩnh vực ngoại giao là việc thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện với Trung Quốc; thực hiện cam kết mà nước Mỹ là trả lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama cho người Panama.
Cống hiến đáng chú ý của Tổng thống Carter là những đóng góp trong nỗ lực hòa giải Israel với Ai Cập. Carter thuyết phục được lãnh đạo Ai Cập và Israel lúc bấy giờ kết thúc cuộc chiến kéo dài 31 năm giữa hai nước.
Ai Cập trở thành nước láng giềng Ả Rập đầu tiên đạt thỏa thuận hòa bình với Israel. Tel Aviv đồng ý chấm dứt chiếm đóng bán đảo Sinai và trả lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này cho Ai Cập.
|
|
Sau khi rời chính trường, cựu Tổng thống Carter tập trung cho các hoạt động nhân đạo- từ thiện. Nguồn: Trung tâm Carter. |
Tổng thống Carter còn đàm phán với Liên Xô để đạt Hiệp ước Hạn chế Vũ khí chiến lược (SALT II), nhưng trước khi Thượng viện có thể bỏ phiếu phê chuẩn hiệp ước, Liên Xô đã tấn công Afghanistan, Tổng thống Carter buộc lòng phải rút ra khỏi hiệp ước. Tuy vậy hai nước đồng ý tuân thủ các điều khoản đã thảo luận, dù không bên nào chính thức phê chuẩn.
Sau khi rời Nhà Trắng, Carter nhận được nhiều sự kính trọng trong vai trò trung gian hòa giải và kiến tạo hòa bình trên chính trường quốc tế. Ông cũng hành động tích cực với cương vị một cựu Tổng thống Mỹ trong nỗ lực phát triển các hoạt động từ thiện.
Năm 1982, ông thành lập Trung tâm Carter, tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu nhân đạo. Năm 2002, Carter được trao Giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của ông nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột quốc tế, nhằm thăng tiến dân chủ và nhân quyền, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội.
|
|
Trong ảnh, danh thủ bóng đá Pelé (trái) tặng quả bóng cho Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Carter, trong chuyến thăm Nhà Trắng năm 1977. Nguồn: Trung tâm Carter. |
Carter cũng duy trì sự hợp tác tích cực và lâu dài với Tổ chức Hỗ trợ Gia cư (Habitat for Humanity), một tổ chức từ thiện Cơ Đốc với mục tiêu xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Theo tờ Washington Post, cựu Tổng thống Carter và phu nhân đã giúp xây dựng hoặc cải tạo 4.300 căn nhà tại 14 quốc gia cho Habitat for Humanity.
Cựu Đệ nhất phu nhân Rosalynn Carter qua đời vào tháng 11/2023, ở tuổi 96, sau 77 năm kết hôn với ông Carter.
Nhìn lại nhiệm kì Tổng thống của mình với báo The Washington Post vào tháng 8/2018, Carter nói, ông tự hào nhất về các nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và cổ vũ cho nhân quyền.