Chỉ vài giờ sau khi truyền thông đưa tin việc Thổ Nhĩ Kỳ lắp đặt hệ thống phòng không đa lớp tại căn cứ ở al-Watiya, Libya, nó đã trải qua một cuộc bắn phá bí ẩn mà không có bên nào trong cuộc xung đột ở Libya tuyên bố nhận trách nhiệm, Menadefense đưa tin.
Không có thông tin về thiệt hại sau vụ oanh tạc, tuy nhiên, những hình ảnh trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy một hiện trường nham nhở, cày xới với vô số những mảnh vụn.
|
|
Hệ thống phòng không Mim-23 Hawk. Ảnh: africanmilitaryblog. |
Theo Menadefense, Thổ Nhĩ Kỳ đã lắp đặt hai khẩu đội tên lửa phòng không MIM-23 Hawk vào tuần trước gần đường băng của căn cứ không quân.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ lắp đặt hệ thống phòng không loại này ở Libya. Vào tháng 1/2020, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một hệ thống phòng không nhiều lớp để chống lại máy bay không người lái của Dubai và Quân đội Libya (LNA) ở Tripoli.
Họ đã triển khai khẩu đội Mim-23 Hawk cũng như hệ thống phòng không di động Korkut và hệ thống tác chiến điện tử Koral.
Trước đó nữa, ngày 18/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulisi Akar đã thăm Libya và kiểm tra quân đội ở Tripoli được tiếp quản bởi lực lượng đồng minh- Chính phủ Hiệp định quốc gia Libya (GNA), như một thông điệp về sự quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ tại chiến trường Libya.
Trở lại câu hỏi ai là thủ phạm vụ oanh tạc căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya, Menadefense đã liệt kê phương tiện và phân tích điều kiện, năng lực thiết bị quân sự, cũng như ý đồ của từng bên liên quan hậu thuẫn cho LNA, gồm Ai Cập, Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
|
|
Hình ảnh được cho là một góc hiện trường vụ không kích. Ảnh: Anadoluajansi/Twitter. |
Có thông tin trên mạng xã hội nói, LNA tuyên bố, không quân của lực lượng này đã phá hủy các hệ thống phòng không Hawk của Thổ Nhĩ Kỳ tại căn cứ không quân Watiya, phía tây bắc Libya.
Thời gian gần đây, các bên liên quan trong cuộc nội chiến ở Libya, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều tăng cường tiếp viện thiết bị quân sự cho lực lượng mà họ hậu thuẫn, nhằm chuẩn bị cho trận huyết chiến tại thành phố cảng chiến lược Sirte của Libya. Trong khi đó, Ai Cập cảnh báo, sẽ tham chiến nếu Sirte bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm.