Đồng loạt tổ chức trưng cầu dân ý

Ngày 20/9, truyền thông Nga đưa tin, trước đó cùng ngày, lãnh đạo hai nước cộng hòa tự xưng vốn là 2 tỉnh ly khai Luhansk (tiếng Nga Lugansk) và Donetsk (LPR và DPR), vùng Donbas (tiếng Nga là Donbass) cũng như các vùng giải phóng ở các tỉnh Kherson và Zaporizhzhia (tiếng Nga là Zaporozhye) ở Đông Ukraine đã quyết định tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga từ 23-27/7, để đáp ứng kêu gọi của các tổ chức dân sự trong vùng.

LPR và DPR cùng ngày đã thông qua luật về trưng cầu dân ý, trong khi người đứng đầu chính quyền quân sự-dân sự ở Kherson và Zaporizhzhia (do Nga bổ nhiệm sau khi kiểm soát các vùng này), cũng đã ký các lệnh trưng cầu dân ý.

Theo đó, tất cả công dân trên 18 tuổi đều có quyền bỏ phiếu bất kể họ ở đâu, theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến. Cư dân của các vùng lãnh thổ DPR dưới sự kiểm soát của Kyiv có thể bỏ phiếu, nếu họ di tản sang Nga hoặc đến các vùng lãnh thổ đã được Nga “giải phóng”.

leftcenterrightdel
 Các cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý sẽ đồng loạt diễn ra tại 4 vùng của Ukraine đang do các lực lượng Nga kiểm soát. Ảnh: Nikolai Mikhalchenko / TASS.

Trên lá phiếu sẽ có các câu hỏi về việc khu vực này rút khỏi Ukraine, hình thành nhà nước tự trị và gia nhập thành phần Liên bang Nga, Sputnik viết.

Ủy ban Bầu cử các vùng lãnh thổ sẽ thông báo kết quả trong vòng 5 ngày. 

Bình luận về cuộc trưng cầu dân ý, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lưu ý, quan điểm của Moscow là, chính người dân các vùng lãnh thổ phải xác định tương lai của mình. Theo ông Lavrov, tình hình hiện nay cho thấy người dân Donbas muốn làm chủ số phận của họ.

Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin, tuyên bố, sẽ ủng hộ người dân Donbas nếu họ quyết định gia nhập Nga. 

leftcenterrightdel
 Các binh sĩ Ukraine đang sửa chữa một chiếc xe tăng chiến lợi phẩm của Nga trong một chiến dịch phản công. Ảnh: Reuters / Sofiia Gatilova.

Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Andrey Turchak nhìn nhận, cuộc trưng cầu dân ý sẽ củng cố về mặt pháp lý rằng “Donbas và các vùng lãnh thổ được ‘giải phóng’ hiện nay là thuộc Nga”.

Theo TASS, Crimea và vùng Rostov đã sẵn sàng thiết lập các điểm bỏ phiếu cho những người tị nạn từ Donbas và vùng Kherson. 

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố, cần thiết phải tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý ở Donbas, nhấn mạnh, sự kiện có tầm quan trọng to lớn đối với việc khôi phục công lý lịch sử. 

Phản ứng từ Ukraine và phương Tây

Thống đốc vùng Luhansk của chính quyền Ukraine, Serhiy Gaidai nói với Ukraine TV, các cuộc trưng cầu dân ý ở miền Đông nước này do Nga hậu thuẫn là bất hợp pháp.

Ngày 20/9, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố, “cuộc trưng cầu dân ý giả tạo sẽ không thay đổi bất cứ điều gì”; nhấn mạnh, Nga “chiếm đóng bất hợp pháp” các vùng lãnh thổ của Ukraine và Kyiv có mọi quyền để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington dứt khoát không chấp nhận bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy.

leftcenterrightdel
 Lực lượng Ukraine tiếp tục mở rộng phản công ở miền Đông đất nước chống lại các lực lượng Nga. Ảnh: Reuters / Gleb Garanich.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 21/9, trong đó nhấn mạnh, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine là vi phạm Hiến chương LHQ.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói, khối và các nước thành viên sẽ không công nhận kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và sẽ xem xét các biện pháp tiếp theo chống lại Nga nếu cuộc bỏ phiếu diễn ra.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đều dùng từ "trò khôi hài" để mô tả các cuộc bỏ phiếu.

Người phát ngôn của Tổng thống Litva Gitanas Nauseda dẫn lời ông nói: “Những khu vực này đang và vẫn sẽ là một phần của Ukraine, và các cuộc trưng cầu dân ý giả tạo của Nga là bất hợp pháp. Litva sẽ không bao giờ công nhận chúng”.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Mỹ Joe Biden dự định sẽ có bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 21/9, trong đó đề cập các động thái của Nga chống lại Ukraine. Ảnh: Reuters / Jonathan Ernst.

Một số nhân vật ủng hộ Điện Kremlin coi các cuộc trưng cầu dân ý như một tối hậu thư cho phương Tây để chấp nhận các lợi ích lãnh thổ của Nga hoặc đối mặt với một cuộc chiến toàn diện với một đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân.

Các quan chức Nga nhấn mạnh, khi gia nhập Nga, các vùng này là một phần lãnh thổ nước này và các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga trở thành cuộc chiến chính thức giữa Ukraine, NATO với Moscow.

Các lực lượng Nga hiện kiểm soát khoảng 60% Donetsk, gần như toàn bộ Luhansk, hầu hết Zaporizhzhia trừ thủ phủ khu vực và thủ phủ tỉnh Kherson. Theo Reuters, các vùng đất này chiếm khoảng 15% lãnh thổ nước này và tương đương diện tích Hungary.

Các cuộc trưng cầu dân ý được công bố một ngày sau khi Ukraine cho biết, quân đội của họ đã chiếm lại được làng Bilohorivka, tỉnh Luhansk và đang chuẩn bị tấn công các mục tiêu trên khắp vùng.

Văn Phong/TASS, Sputnik, Reuters