Năm 2020, Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ).

Trong hoàn cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu suy giảm, trọng trách đó khiến Việt Nam phải nỗ lực đặc biệt với trách nhiệm đòi hỏi cao gấp đôi. Đứng trước một năm đầy thách thức, Sputnik dẫn lời các chuyên gia quan hệ quốc tế, khẳng định, Việt Nam đã nâng cao được vị thế của mình hay không; cũng như vận dụng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” một cách linh hoạt, uyển chuyển.

Theo hãng tin, ngay sau khi được bầu là thành viên không thường trực của HĐBALHQ với số phiếu gần như tuyệt đối vào tháng 6/2019, Việt Nam đã có một chương trình, kế hoạch cho nhiệm kỳ 2 năm của mình trên cương vị này.

Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để đảm nhiệm thành công trọng trách Uỷ viên không thường trực HĐBA và cam kết mạnh mẽ hiện thực hóa thành công mục tiêu vì Cộng đồng ASEAN.

“Đối với LHQ, Việt Nam nêu chủ trương “Đối tác vì hòa bình bền vững”. Đây là chủ trương quan hệ rất rộng mở vì hòa bình luôn là nhu cầu sống còn và cháy bỏng của toàn nhân loại trong bất kỳ thời đại nào, tình huống nào. Còn đối với ASEAN, Việt Nam nêu chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Hai chủ trương lớn trong quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng như của toàn khối ASEAN, cho thấy những chủ trương này vừa có tính khoa học, vừa cao tính dự báo rất cao” - Chuyên gia về những vấn đề quan hệ quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận.

Với vai trò là thành viên không thường trực HĐBALHQ, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên lĩnh vực ít được bàn đến như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, hoạt động chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng…

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36. Ảnh: TTXVN/Sputnik. 

Và nổi bật nhất là Việt Nam đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm làm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”. “Vấn đề đó tưởng chừng như không mấy liên quan đến hoạt động chính của HĐBA là bảo đảm an ninh toàn cầu, nhưng đã được Việt Nam phát hiện bởi đó là một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống rất quan trọng, không phân biệt quốc gia dân tộc, thể chế chính trị, vị trí địa lý, hoàn cảnh kinh tế, v.v….

Đó là vấn đề chung của toàn nhân loại. Đặc biệt là khi đại dịch COVID-19 lan tràn khắp thế giới. Vấn đề an ninh sức khỏe này đã thu hút sự quan tâm của tất cả các thành viên LHQ. Trong phiên họp ngày 7/12, Nghị quyết A/RES-75/27 đã được Đại hội đồng thông qua với sự đồng thuận của tất cả các quốc gia thành viên LHQ. Và đây cũng là lần đầu tiên, Đại hội đồng LHQ thông qua một Nghị quyết toàn thể về vấn đề an ninh sức khỏe. Đây cũng chính là một trong những nền tảng để xây dựng một nền hòa bình bền vững trên toàn cầu.” -  nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nói.

Đối với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam đã đạt được những thành công được coi là kỳ tích. “Trong hoàn cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, một số nước ASEAN đã trở thành những ổ dịch lớn, quan hệ giao lưu quốc tế bị gián đoạn nghiêm trọng, kinh tế thế giới bị kéo lùi hàng thập kỷ; không ai nghĩ rằng Năm chủ tịch ASEAN thứ hai của Việt Nam sẽ thu được thành công to lớn tới mức đó”, ông Nguyễn Minh Tâm lưu ý.

Tuy nhiên, Việt Nam đã có nhiều cố gắng vượt bậc, những như những sáng kiến, xử trí linh hoạt, chung tay góp sức để hoàn thành trọng trách này. Lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của Hiệp hội, hầu như các hội nghị các cấp của ASEAN phải họp trực tuyến. Đây là hình thức hoàn toàn mới, nên đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu.

Sputnik dẫn đánh giá của các nước thành viên ASEAN cũng như các nhà quan sát chính trị quốc tế, cũng như dư luận báo chí khu vực và quốc tế, khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, với sự chuẩn bị chu đáo, lựa chọn mục tiêu và ưu tiên, với phương châm “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.”- Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nói với Sputnik.

leftcenterrightdel
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khai mạc hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Ảnh: TTXVN/Sputnik. 

 “Trong hoàn cảnh các kênh giao lưu trực tiếp bị chia cắt để phòng chống dịch bệnh, Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc ứng dụng không gian mạng để tổ chức các hội nghị trong kế hoạch của Năm ASEAN theo hình thức trực tuyến và được tất cả các nước ASEAN cũng như đối tác của ASEAN hưởng ứng. Nó chứng minh đại dịch COVID-19 không thể phá vỡ sự gắn kết của toàn khối ASEAN và cũng không có một thế lực bên ngoài nào phá vỡ được khối gắn kết ấy.”, chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng đánh giá.

Chủ đề “Gắn kết và thích ứng” của ASEAN do Việt Nam đề xuất ban đầu để đối phó với sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang trở nên nghiêm trọng cũng như tạo lập sự gắn kết chặt chẽ hơn trong nội khối về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh thì nay lại được bổ sung và nhấn mạnh thêm một vấn đề an ninh y tế-sức khỏe mới phát sinh là phòng chống đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, các vấn đề quan trọng khác như thống nhất hành động trong quan hệ kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh nội khối, mở rộng quan hệ ngoại khối, giải quyết thỏa đáng các mâu thuẫn, va chạm và giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các bên, kéo giảm căng thẳng bằng đối thoại hòa bình trên cơ sở công bằng và tuân thủ UNCLOS-1982 vẫn được quan tâm thường xuyên.

“Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tổ chức thành công các Hội nghị ADMM và ADMM+. Các hội nghị này được cả thế giới quan tâm và dưới góc độ ASEAN thì sức hút của nó chỉ thua kém hội nghị cấp cao các nguyên thủ quốc gia ASEAN. Cùng với Hội nghị cấp cao, các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN đã ra được các tuyên bố chung về tổng thể các vấn đề được xem xét tại Hội nghị nguyên thủ quốc gia và các vấn đề quan trọng trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh ở các hội nghị ADMM và ADMM+. Điểm mới là Hội nghị ADMM+ năm 2020 do Việt Nam chủ trì còn có sự hiện diện của vị Đại diện Tổng thư ký LHQ cho thấy ảnh hưởng ngày một lớn của diễn đàn này”- ông Nguyễn Minh Tâm bình luận.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 và Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và các nước tham dự lễ ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Ảnh: TTXVN/Sputnik. 

Thành công của ADMM+ năm 2020 cho thấy xu thế hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo trên thế giới nói chung. Trong số 8 quốc gia đối tác của ASEAN về quốc phòng và an ninh, có 3 nước lớn là thành viên HĐBALHQ và đồng thời là đối tác “kiêm” đối thủ của nhau. Nhưng họ vẫn nhất trí cùng ngồi lại với các nước ASEAN để bàn bạc về việc xây dựng khu vực Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, và phát triển, biến Biển Đông thành một vùng biển phi quân sự hóa, ổn định và an toàn. Đó là một thành công rất lớn của Việt Nam trong năm ASEAN 2020, có tầm ảnh hưởng vượt ra ngoài phạm vi của khối, thậm chí là có tác động toàn cầu.”, ông Hoàng nói.

Thành công lớn thứ ba của Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch là việc 10 nước ASEAN cùng với 5 đối tác đã ký kết Hiệp ước Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Mặc dù Ấn Độ, một trong các đối tác lớn của ASEAN “rút lui” vào phút chót nhưng việc ký kết RCEP vẫn là thành công vượt lên trên sự hy vọng của ASEAN nói riêng và các bên đối tác nói chung. RCEP mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp. Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. 

“Bên cạnh chủ động đối phó với dịch bệnh, Việt Nam và các thành viên ASEAN cũng đã tổ chức thành công các hoạt động then chốt của ASEAN, triển khai hiệu quả chương trình nghị sự ASEAN năm nay mặc dù phải sử dụng hình thức trực tuyến. Có thể nói, chúng ta đã thích nghi nhanh và thành công với thực tế mới, “new reality, new normal”, không để hợp tác ASEAN bị gián đoạn, kể cả những nội dung và lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như an ninh, ổn định ở khu vực, bao gồm cả những vấn đề như Biển Đông, DOC và tiến trình đàm phán COC, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo tất cả các nước thành viên giữ vững sự đoàn kết, thống nhất nội bộ nhằm duy trì ổn định khu vực,.v.v.”, - Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nói với Sputnik.

Với hai trọng trách quan trọng trong năm 2020, vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam luôn gắn kết chặt chẽ với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBALHQ. Trên cả 2 cương vị này, lập trường của Việt Nam luôn giữa thái độ nhất quán, kiên định về nguyên tắc nhưng hết sức mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp và ứng xử.

“Việt Nam ngày càng trở thành một trong những quốc gia, đối tác đáng tin cậy, được khẳng định qua những thành tích mà Việt Nam gặt hái được trên trường quốc tế cả ở lĩnh vực kinh tế lẫn về ảnh hưởng chính trị. Việt Nam đang và sẽ là một đối tác quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực, là một nền kinh tế năng động với môi trường đầu tư thân thiện và hệ thống chính trị ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác đối ngoại, đồng thời Việt Nam cũng là một mắt xích quan trọng trong hợp tác kinh tế quốc tế”, -  PGS-TS Đặng Hoàng Linh, Học viện Ngoại giao Việt Nam nói với Sputnik.

Huy Anh