Ấn Độ thử nghiệm tên lửa không đối không thế hệ mới tích hợp cho Su-30
Cập nhật lúc 09:59, Thứ tư, 17/02/2021 (GMT+7)
Trong mục tiêu nhằm thiết lập ưu thế trong không chiến, Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm tên lửa không đối không tầm xa Astra Mark 2, có khả năng hạ gục máy bay đối phương từ cự ly 160 km.
Phạm vi mở rộng của Astra Mark 2 so với phiên bản trước đó sẽ giúp Ấn Độ có lợi thế hơn đối thủ và sẽ tăng thêm khả năng sát thương cho các máy bay chiến đấu trong các cuộc không chiến.
"Cuộc thử nghiệm cho Astra Mark 2 sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm nay và chúng tôi hy vọng tên lửa này sẽ được phát triển hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động vào năm 2022 ", các quan chức chính phủ nói với ANI.
|
|
Tên lửa không đối không Astra do Ấn Độ nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Rajan. Manickavasagam. |
Astra là tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (BVRAAM) tiên tiến, bay với tốc độ Mach 4,5, là sản phẩm của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO), được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí không chiến chủ lực trang bị cho các chiến đấu cơ hiện tại và tương lai của Không quân Ấn Độ (IAF).
Thiết kế của Astra phần nào mang ảnh hưởng từ R-77 của Nga khi có kết cấu cánh lái khá tương đồng, sử dụng cơ chế dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và radar chủ động giai đoạn cuối. Tên lửa còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, đảm bảo xác suất trúng đích cao.
|
|
Ấn Độ bắn thử tên lửa Astra Mark 1 từ Su-30MKI. Ảnh: India Today Article. |
Hiện Ấn Độ đang nỗ lực để tích hợp tên lửa trên máy bay chiến đấu bản địa LCA Tejas. Trước đó, vào giữa năm 2016, Ấn Độ đã hoàn thành phiên bản Astra Mark 1 và bắt đầu phát triển biến thể Astra Mark 2. 288 tên lửa Astra Mark-1 đã được Không quân và hải quân Ấn Độ đặt hàng triển khai trên chiến đấu cơ Su-30MKI.
Astra có khả năng hoạt động cả ngày và đêm, sẽ thay thế các loại BVRAAM đắt tiền của Nga, Pháp và Israel hiện đang được nhập khẩu để trang bị cho các máy bay chiến đấu của IAF.
|
|
Khi được sản xuất hàng loạt, giá thành tên lửa Astra chỉ vào khoảng 700.000 USD/quả. Ảnh: Sputnik. |
Giá thành của Astra hiện tại vào khoảng 1 triệu USD/quả, nhưng khi bước vào sản xuất hàng loạt dự tính con số này sẽ chỉ còn 700.000 USD (so với 850.000 USD của AIM-120C7 hay 1,5 triệu USD của AIM-120D).
Giữa tháng 9/2019, Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố video thử nghiệm thành công tên lửa Astra trên chiến đấu cơ Su-30MKI do Nga sản xuất.
Huy Anh (Defencenews, Sputnik)