"Chiến đấu cơ F-16 Pakistan đã phóng nhiều tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM về phía phi đội Ấn Độ, nhưng động tác chiến thuật kịp thời và chính xác của phi công Su-30MKI khiến các tên lửa này vô dụng", Hindustan Times ngày 5-3 dẫn thông cáo do Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo.

leftcenterrightdel
Máy bay F-16 của Không quân Pakistan. 

Vụ đụng độ nói trên xảy ra hôm 27-2. Đây là cuộc không chiến lớn nhất của Ấn Độ và Pakistan trong hơn 4 thập niên. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng nói rằng phi đội Su-30MKI được triển khai cùng tiêm kích MiG-21Bis và máy bay Mirage 2000.

Pakistan tuyên bố bắn hạ hai máy bay Ấn Độ, trong đó có một tiêm kích Su-30MKI và một máy bay MiG-21. Tuy nhiên, New Delhi nói chỉ mất một MiG-21 trong vụ không chiến. Viên phi công trên MiG-21 bị Pakistan bắt, nhưng được thả tự do vào ngày 1-3.

"Tất cả phi đội Su-30 đều trở về hạ cánh an toàn, đây dường như là nỗ lực tung tin giả nhằm che đậy thiệt hại của không quân Pakistan”, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định.

Quan chức quốc phòng Ấn Độ tuần trước công bố mảnh tên lửa có dòng chữ "AIM-120C-5", một phiên bản hiện đại của dòng AIM-120 AMRAAM do Mỹ chế tạo và bán cho Pakistan, khẳng định đây là bằng chứng cho thấy Islamabad đã triển khai tiêm kích F-16 trong trận không chiến hôm 27-2.

Pakistan ban đầu chối bỏ việc sử dụng F-16 trong vụ không chiến, song sau đó nói các máy bay do Mỹ cung cấp đã “khóa mục tiêu” để thị uy. Mỹ bán F-16 cho Pakistan trong thập niên trước, nhưng cùng điều khoản buộc Islamabad chỉ được sử dụng loại máy bay này trong các chiến dịch chống khủng bố.

Nếu bị chứng minh dùng tiêm kích F-16 không chiến với Ấn Độ, Pakistan sẽ đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ. Hôm 4-3, Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan tuyên bố đang nghiêm túc xem xét khả năng Pakistan sử dụng máy bay F-16 trong vụ không chiến với Ấn Độ.

Thái An