Hôm 11/2, các quan chức Ai Cập và ngoại giao phương Tây nói với truyền thông, Cairo có thể đình chỉ Hiệp ước hòa bình với Tel Aviv, nếu quân đội Israel đánh chiếm Rafah, thành phố cực nam của Dải Gaza, giáp biên giới với Ai Cập.

Trước đó, Thủ tướng Israel Netanyahu cho biết, Rafah là thành trì ẩn náu cuối cùng của nhóm Hồi giáo vũ trang Palestine Hamas ở Gaza và Tel Aviv sẽ tiếp tục chiến dịch tại Rafah để tận diệt Hamas.

Ai Cập, quốc gia có biên giới với Rafah phản đối bất kỳ động thái nào có thể khiến cả triệu người Palestine ẩn náu tại đây tuyệt vọng tháo chạy qua biên giới vào lãnh thổ nước này. 

leftcenterrightdel
 Các nhà lãnh đạo Ai Cập, Israel và Mỹ nắm tay nhau tại Nhà Trắng ngày 26/3/1979, ngay sau khi Hiệp ước hòa bình Ai Cập- Israel được ký. Nguồn: AP /Bob Daugherty.

Rafah cũng đóng vai trò là cửa ngõ chính tiếp nhận viện trợ nhân đạo vào Gaza, và một cuộc tấn công của Israel có thể làm tắc nghẽn việc vận chuyển hàng nhu yếu phẩm quan trọng vào dải đất bị bao vây.

Dân số Rafah đã tăng từ 280.000 người lên khoảng 1,4 triệu người, khi người Palestine rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza để tránh các cuộc pháo kích khốc liệt và không ngừng nghỉ của Israel trong suốt nhiều tháng.

Thủ tướng Netanyahu đã lệnh cho quân đội chuẩn bị kế hoạch sơ tán toàn bộ dân thường Palestine đang trú ẩn trong các lếu trại tạm bợ ở Rafah, trước khi tấn công khu vực này. 

Ai Cập và Israel đã xảy ra 4 cuộc chiến tranh lớn, gần nhất là vào năm 1973.

leftcenterrightdel
 Một hố bom giữa những lều bạt ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 12/2, sau cuộc pháo kích của Israel. Ảnh: AFP.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên khởi đầu vào tháng 9/1978 tại Trại David, bang Maryland với sự trung gian của Mỹ, đã kết thúc bằng Hiệp ước Trại David, còn được biết đến với tên Hiệp ước hòa bình Ai Cập- Israel.

Hiệp ước hòa bình Ai Cập- Israel được ký tại Washington, Mỹ vào ngày 26/3/1979, kết thúc 3 thập niên thù địch, đồng thời thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước.

Các điểm chính của Hiệp ước là sự công nhận lẫn nhau, chấm dứt tình trạng chiến tranh đã tồn tại từ Chiến tranh Ả Rập- Israel năm 1948, bình thường hóa quan hệ và rút hoàn toàn lực lượng vũ trang Israel khỏi Bán đảo Sinai mà Tel Aviv đã chiếm được trong cuộc Chiến tranh sáu ngày năm 1967.

leftcenterrightdel
 Người dân Palestin sơ tán ở Rafah một lần nữa lại tháo chạy khỏi nơi trú ẩn. Nguồn: @mfjhollingworth.

Thỏa thuận đánh dấu Ai Cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên chính thức công nhận Israel.

Hiệp ước hòa bình Ai Cập- Israel vốn hạn chế đáng kể số lượng binh sĩ ở cả hai bên biên giới. Hiện tại, điều này cho phép Israel tập trung quân sự vào các mối đe dọa khác ngoài Gaza.

Trường hợp Ai Cập đình chỉ hòa ước, Israel sẽ phải tăng cường lực lượng quân đội, vốn mỏng và phân tán, dọc biên giới với Ai Cập ở Bán đảo Sinai.

Trong khi Ai Cập, quốc gia đã nhận được hàng tỉ USD viện trợ quân sự của Mỹ kể từ khi thực thi hòa ước, có khả năng bị đình chỉ khoản hỗ trợ này.

Ai Cập cũng có nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến Israel- Hamas, điều được cho sẽ là thảm họa cho toàn bộ khu vực.

Văn Phong (theo AP)