32 chiến hạm của Mỹ và NATO hiện diện Biển Đen

Các lực lượng của Hạm đội Biển Đen Nga đang theo dõi hoạt động của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ross của Hải quân Mỹ vừa đi vào Biển Đen hôm 26/6, Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia Nga nói với TASS hôm 26/6.

"Các lực lượng của Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu theo dõi chặt chẽ hoạt động của tàu khu trục Ross của Hải quân Mỹ, đã tiến vào Biển Đen hôm 26/6", thông cáo của Trung tâm nói.

Trước đó, Hạm đội 6 Hải quân Mỹ thông báo, tàu khu trục Mỹ đã đi vào Biển Đen vào ngày 26/6, nơi nó sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự đa quốc gia Sea Breeze 2021 cùng với 31 tàu chiến khác.

leftcenterrightdel
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Ross của Hải quân Mỹ tiến vào Biển Đen hôm 26/6 để tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Sea Breeze 2021. Ảnh: Reuters / Yoruk Isik.

Thông cáo ngày 21/6 của Hải quân Mỹ nói, Hạm đội 6 nói sẽ tham gia cuộc tập trận Sea Breeze 2021 (SB21) được tổ chức thường niên với sự phối hợp chủ lực của Hải quân Mỹ và Hải quân Ukraine.

Tập trận Sea Breeze được bắt đầu từ năm 1997, quy tụ hầu hết các quốc gia Biển Đen, các đồng minh NATO và đối tác, mục tiêu phối hợp huấn luyện nhằm theo đuổi việc tăng cường năng lực trong khu vực.

Tập trận quy mô kỉ lục

Cuộc tập trận SB21 diễn ra từ ngày 28/6-10/7 ở khu vực Biển Đen, nơi Mỹ và NATO nhìn nhận như là “ao làng” của Nga. Tập trận sẽ tập trung vào nhiều lĩnh vực tác chiến bao gồm chiến tranh đổ bộ, chiến tranh cơ động trên bộ, hoạt động lặn, hoạt động ngăn chặn hàng hải, phòng không, tích hợp các hoạt động đặc biệt, chiến tranh chống tàu ngầm, và các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. 

leftcenterrightdel
Có 32 tàu của 32 quốc gia NATO và đối tác tham gia tập trận Sea Breeze 2021. Ảnh: Northafricapost.

SB21 có số lượng quốc gia tham gia kỉ lục với 32 nước từ 6 châu lục, gồm 5.000 binh sĩ, 32 tàu, 40 máy bay với các hoạt động đặc biệt có sự tham gia của biệt đội lặn, theo thông cáo của Hải quân Mỹ.

Ngoài Ukraine và Mỹ, cuộc tập trận ở Biển Đen có sự tham gia của 30 quốc gia khác, gồm: Albania, Australia, Brazil, Bulgaria, Canada, Đan Mạch, Ai Cập, Estonia, Pháp, Georgia, Hy Lạp, Israel, Ý, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Moldova, Morocco, Na Uy, Pakistan, Ba Lan, Romania, Senegal, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thụy Điển, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh.

leftcenterrightdel
Khu trục hạm HMS Defender của Hải quân Anh vừa bị Nga cáo buộc xâm hại lãnh hải nước này ngoài khơi Crimea. Nguồn: FSB.

“SB21 tạo cơ hội cho nhân viên của các quốc gia tham gia được đào tạo thực tế về hàng hải để xây dựng kinh nghiệm và tinh thần đồng đội cũng như tăng cường khả năng tương tác cùng hướng tới các mục tiêu chung.”, thông cáo của Hạm đội 6 viết.

Biển Đen.. “dậy sóng”?

Trước sự kiện tập trận quy mô lớn của Phương Tây, trong một động thái liên quan, ngày 23/6, Đại sứ quán Nga tại Washington kêu gọi Mỹ và các đồng minh không thực hành các hoạt động quân sự ở Biển Đen; cảnh báo, những cuộc tập trận này "làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố ngoài ý muốn" và khuyến khích “tư tưởng hiếu chiến” của Kiev.

Đáng lưu ý, cuộc tập trận SB21 diễn ra ngay sau sự cố đụng độ giữa lực lượng Nga và khu trục hạm HMS Defender của Hải quân Anh. Nga cáo buộc chiến hạm Anh đã xâm phạm lãnh hải quốc gia ngoài khơi Crimea, vùng lãnh thổ Ukraine được Moscow “sáp nhập” năm 2014 mà Phương Tây không công nhận. Với cáo buộc này, Nga đã huy động tiêm kích tấn công Su-24 cùng tàu biên phòng kích hoạt hỏa lực bắn cảnh cáo tàu khu trục Anh. Hành động được nói là “khiêu khích” của Hải quân Anh khiến Nga “nóng mặt”, thổi bùng mâu thuẫn vốn căng thẳng giữa hai quốc gia.

leftcenterrightdel
Hệ thống phòng thủ bờ biển K300-P Bastion của Nga. Ảnh: uawire.org

Sau sự kiện, nhiều quan chức cấp cao Nga tuyên bố, sẽ có đối sách cứng rắn để đáp trả. Trưởng phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán về an ninh và kiểm soát vũ khí tại Vienna, Konstantin Gavrilov cảnh báo Anh sau sự cố HMS Defender rằng, lần tới, bom sẽ được thả xuống mục tiêu thay vì chỉ bắn cảnh cáo. 

Tại Hội nghị Moscow về An ninh Quốc tế hôm 24/6, cùng với việc cảnh báo nguy cơ xung đột leo thang, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tuyên bố, Nga sẽ bảo vệ biên giới của mình bằng tất cả các phương tiện hiện có, bao gồm cả quân sự.

leftcenterrightdel
Bệ phóng hệ thống phòng thủ bờ biển Bal-E của Hải quân Nga. Ảnh: Navyrecognition. 

Trước động thái tập trận CB21 của NATO, ngày 22/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng thuộc Hạm đội Biển Đen đã triển khai các hệ thống phòng thủ bờ biển Bal và Bastion tới bán đảo Crimea trong khuôn khổ “cuộc tập trận tiêu diệt tàu mặt nước mô phỏng của kẻ địch ở Biển Đen”.

Hôm 26/6, cùng với việc chỉ ra 2 mục tiêu của cuộc tập trận là gây mất ổn định dọc biên giới Nga và vận chuyển vũ khí đến Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố, Nga “cần phải có phản ứng, bởi Nga là một quốc gia có chủ quyền”.

Hạm đội Biển Đen được nói tập trung phần lớn các khí tài tối tân cũng như những vũ khí chiến lược của quân đội Nga.

Huy Anh