Trưởng phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán về an ninh và kiểm soát vũ khí tại Vienna, Konstantin Gavrilov cảnh báo Anh sau sự cố HMS Defender rằng, lần tới, bom sẽ được thả xuống mục tiêu thay vì chỉ cảnh cáo. Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc họp ngày 23/6 của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về hợp tác trong lĩnh vực an ninh và được công bố hôm 24/6.
“Không thể che giấu sự phẫn nộ trước tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh rằng, tàu khu trục được đề cập ‘đã tiến hành một hành trình vô hại’ qua lãnh hải Ukraine. Tôi phải cảnh báo, rằng lần tới, nếu hành động như vậy tái diễn, bom sẽ được thả không phải phía trước mục tiêu mà là vào mục tiêu.”, ông Gavrilov tuyên bố.
|
|
Khu trục hạm Anh HMS Defender (D36). Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh |
Trong khi đó, Hội nghị Moscow về An ninh Quốc tế hôm 24/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko lưu ý, vụ việc ở Biển Đen liên quan đến tàu khu trục HMS Defender của Anh có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Theo ông Grushko, các nước phương Tây chọn cách tiếp cận đối đầu thay vì hợp tác với Nga. “Tình huống này rất dễ bùng nổ, ngay cả khi tất cả các bên vẫn thận trọng. Những sự cố ngoài ý muốn, có thể dẫn đến xung đột thực sự, đó là điều không thể loại trừ.”, ông Grushko nói.
“Chúng tôi không thể không lo ngại rằng NATO đang liên tục tăng cường sự hiện diện quân sự dọc theo biên giới của chúng tôi, tăng cường tần suất các cuộc tuần tra trên không, các cuộc tập trận, với các tàu chiến của họ tiến vào Biển Đen, Baltic và thậm chí là Biển Barents.”, ông Grushko nói, nhấn mạnh “Nga sẽ bảo vệ biên giới của mình bằng tất cả các phương tiện hiện có, bao gồm cả quân sự”.
|
|
Khu trục hạm Anh HMS Defender bị Nga cáo buộc xâm phạm lãnh hải nước này ở Biển Đen. Ảnh cắt từ video, nguồn: FSB. |
Hôm 23/6, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nói, Hạm đội Biển Đen và cơ quan kiểm soát biên giới của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn hành vi xâm phạm biên giới Nga của khu trục hạm Anh HMS Defender gần Mũi Fiolent, Crimea. Theo báo cáo, tàu khu trục HMS Defender (số hiệu D36) đã xâm phạm lãnh hải Nga vào lúc 11h52’, giờ Moscow, vượt qua biên giới đi vào lãnh hải của Nga 3km. Một tàu hộ vệ đã bắn cảnh cáo, sau đó máy bay Su-24M đã thả 4 quả bom phía trước tàu Defender. Bốn phút sau tàu này rời khỏi vùng biển của Nga. Bộ Quốc phòng Nga coi hành động của tàu khu trục là vi phạm trắng trợn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và kêu gọi London điều tra hành động của thủy thủ đoàn.
Đáp lại, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố, tàu khu trục của họ đã di chuyển một cách yên bình qua lãnh hải Ukraine và phù hợp với luật pháp quốc tế, bác bỏ tuyên bố của Moscow về các phát súng cảnh cáo. Đại sứ quán Anh tại Moscow đã phản đối thông tin này, nói rằng Nga đang mô tả vụ việc không chính xác.
|
|
Tàu biên phòng Nga đã bắn cảnh cáo khu trục hạm Anh HMS Defender. Ảnh cắt từ video, nguồn: FSB. |
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/6, RIA Novosti đăng tải công bố của FSB về một đoạn video mô tả việc tàu khu trục Anh “xâm phạm lãnh hải” Nga và tàu biên phòng Nga đã khai hỏa cảnh cáo tàu này.
Hôm 24/6, hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời Thủ tướng Anh Boris Johnson bình luận về vụ việc, nói, tàu khu trục Defender đã hành động hợp pháp trong vùng biển quốc tế. Và, “điều quan trọng cần lưu ý là chúng tôi không công nhận việc Crimea sáp nhập vào Nga.”, chính trị gia Anh nói.
Liên quan đến quan hệ Nga- EU, hôm 25/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không đạt được thỏa thuận về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung với Nga.
|
|
Ngoài việc bắn cảnh cáo, Nga nói tiêm kích hạng nặng Su-24 đã được huy động và thả 4 quả bom phía trước khu trục của Anh. Ảnh: flyawaysimulation. |
"Đó là một cuộc thảo luận rất toàn diện, và không phải là một cuộc thảo luận dễ dàng", Reuters dẫn lời bà nói. "Hôm nay không có thỏa thuận nào về cuộc họp trực tiếp của các nhà lãnh đạo".
Hôm thứ Năm, cơ quan ngoại giao EU nói với TASS rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ xem xét các sáng kiến của các thành viên EU về mối quan hệ trong tương lai với Nga.
Hôm 23/6, tờ Financial Times đưa tin bà Merkel đã đưa ra đề xuất mời ông Putin tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU. Theo tờ báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ủng hộ sáng kiến này.