leftcenterrightdel
Châu Âu đang gồng mình chống chọi với COVID-19 

Châu Âu vẫn đang quay cuồng với bệnh dịch COVID-19, số người nhiễm và số người chết không ngừng tăng lên. Sau Ý và Tây Ban Nha là đến Pháp có số người chết tăng cao.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã tăng lên 3.024 người vào ngày 30/3 sau khi có thêm 418 người chết. Nước Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư có số người chết vì COVID-19 vượt mốc 3.000 người, sau Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý. Nhà chức trách Pháp thừa nhận chỉ tính số người chết trong bệnh viện nên cảnh báo số liệu tử vong có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới khi bắt đầu kiểm đếm các ca tử vong trong nhà dưỡng lão. Hiện Pháp có 44.550 người nhiễm bệnh và có 5.107 bệnh nhân trong tình trạng nặng cần hỗ trợ duy trì sự sống.

Tây Ban Nha ghi nhân thêm 7.846 ca nhiễm và 913 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm lên con số 87.956 và 7.716 người chết. Tây Ban Nha đã vượt qua Trung Quốc về số người nhiễm khoảng gần 7.000 người và đứng thứ 3 thế giới. Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 và Thủ tướng Pedro Sanchez hôm 28/3 công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn nữa, buộc những người lao động ở các lĩnh vực không thiết yếu phải ở nhà trong 14 ngày tới.

Nước Ý vẫn đứng sau Mỹ về số người nhiễm bệnh nhưng đứng thứ nhất thế giới về số người chết do COVID-19. Trong vòng 24h qua, nước Ý ghi nhận phát thêm 4.050 ca nhiễm mới và 812 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm lên 101.739 người và 11.591 người chết. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Ý là gần 11,4%, mức cao nhất thế giới và gấp hơn hai lần tỷ lệ tử vong toàn cầu. Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30/3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo chính phủ sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc "đến hết Lễ Phục sinh năm nay".

Nước Đức đã ghi nhận 66.885 người nhiễm COVID-19 và 645 người tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel, 65 tuổi, hôm qua cho kết quả âm tính nCoV lần ba. Bà Merkel tự cách ly tại căn hộ ở Berlin một tuần qua sau khi tiếp xúc với bác sĩ nhiễm nCoV.

Nước Anh có 22.141 người nhiễm COVID-19 và 1.408 người chết do bệnh này. Trong khi Thủy Sĩ có 15.922 người nhiễm và 359 người tử vong. Bỉ và Hà Lan lần lượt là những nước có trên 11.000 người nhiễm và hơn 1000 ca tử vong...

Tại châu Á, Trung Quốc có 81.470 ca nhiễm COVID-19 và 3.304 người chết. Trung Quốc từ nước đứng đầu về số người nhiễm và người chết đến nay đứng thứ 4 về số người nhiễm và đứng thứ 3 về số người chết.

Hàn Quốc vẫn kìm hãm được sự lây lan của dịch bệnh khi số người nhiễm vẫn giữ ở mức 9.661 và 158 người tử vong. Trong khi Iran có số người nhiễm là 41.495 người và số người chết là 2.757, đứng thứ 6 thế giới về số người chết.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam vẫn xếp thứ 6 về số người nhiễm và chưa có người tử vong. Đứng đầu là Malaysia với 2.626 ca nhiễm và 37 người chết. Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 122 người chết trong 1.414 người nhiễm. Thái Lan đều ghi nhận 1.524 ca nhiễm và 9 ca tử vong. Philippines có số người nhiễm là 1.546 và 78 người tử vong. Việt Nam hiện có 204 người nhiễm COVID-19 và chưa có người tử vong. Trong khi, đã có 55 người được chữa khỏi bệnh và cho xuất viện.

Nước Mỹ vẫn là nước có ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới. Tính đến nay, nước Mỹ ghi nhận thêm 18.089 ca nhiễm và 412 ca tử vong, nâng số ca nhiễm lên 161.580 người và 3.129 ca tử vong. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 66.497 ca nhiễm, trong đó 1.218 người đã tử vong.

Nước Mỹ đã phải đưa tàu bệnh viện có 1000 giường bệnh đến để hỗ trợ cho New York và các doanh trại dã chiến cũng đã được thành lập. Trump cũng thông báo kéo dài chính sách "cách biệt cộng đồng" tới ngày 30/4 để làm chậm tốc độ lây lan của nCoV và dự đoán đỉnh dịch tại Mỹ sẽ đến trong hai tuần tới, vào Lễ Phục sinh 12/4.

Đến nay, thế giới đã có 203 quốc gia, vùng lãnh thổ có người dân mắc COVID-19 và đã có 783.910 người nhiễm bệnh và 37.775 người chết. Trong khi, số người khỏi bệnh mới chỉ có 165.005 người.

Hoài Thu