leftcenterrightdel
Số người nhiễm COVID-19 ở châu Âu không ngừng tăng  
Tây Ban Nha xác nhận thêm 838 trường hợp tử vong do COVID-19 chỉ trong 24 giờ qua. Đây là con số cao kỷ lục, nâng tổng số ca tử vong của nước này lên 6.528 người. Số trường hợp dương tính ở Tây Ban Nha hiện đã lên tới 78.797. Quốc hội Tây Ban Nha đã phê chuẩn gia hạn các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cho đến ngày 11/4.

Madrid vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm gần một nửa số ca tử vong ở nước này. Thủ đô Tây Ban Nha đã buộc phải chuyển đổi một sân băng thành nhà xác do có quá nhiều người chết trong thành phố.

Nước có số người chết trong ngày đứng thứ 2 châu Âu là Ý. Theo số liệu từ Cơ quan phòng vệ dân sự Ý cho biết, trong ngày 29/3, nước này ghi nhận thêm 756 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây lên 10.779. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số người chết vì COVID-19 ở Ý giảm so với kỷ lục 919 ca tử vong hôm 27/3 và 889 ca hôm 28/3. Tuy nhiên, nước Ý hiện có nhiều người chết vì COVID-19 nhất, chiếm hơn 1/3 số ca tử vong vì dịch bệnh này trên thế giới.

Hiện Ý ghi nhận thêm hơn 5.200 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 97.689 ca, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ý được cho là sẽ gia hạn các lệnh phong tỏa toàn quốc sau khi các lệnh này hết hiệu lực vào ngày 3/4.

Nước Anh ghi nhận 19.522 ca dương tính với COVID-19 cho đến nay. Số người chết tăng lên 1.228 ca. Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 27/3 được xác nhận dương tính với CCOVID-19. Ông có các triệu chứng nhẹ và đang tự cách ly tại văn phòng ở Phố Downing. Thái tử Anh Charles, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock và Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries cũng nhiễm bệnh. 

Tại Hà Lan, Viện Y tế quốc gia Hà Lan (RIVM) ngày 29/3 thông báo trong vòng 24 tiếng qua đã ghi nhận thêm 1.104 ca nhiễm mới tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.866. Số người chết vì COVID-19 cũng vọt lên con số 771 người, sau khi có thêm 132 ca tử vong mới trong cùng thời gian.

Như vậy, tính riêng châu Âu đã có hàng nghìn ca chết do COVID-19. Đây cũng là vùng có số người chết do COVID-19 lớn nhất thế giới.

Mỹ đến nay đã ghi nhận 518 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Mỹ là 2.409 trường hợp. Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ là 21.333. Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện nay là 136.880 và là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới.

Tại thủ đô Matxcơva, nước Nga đã thông báo thành phố sẽ phong toả bắt đầu từ hôm nay, ngày 30/3, buộc 12 triệu cư dân phải ở  nhà để làm chậm lại tốc độ lây lan của virus. Các trường hợp ngoại lệ gồm đi khám bệnh, đi làm đối với những ngành nghề thiết yếu, đi chợ hoặc dắt thú cưng đi dạo nhưng không được quá 100m tính từ nhà mình. Lệnh hạn chế cũng giới hạn số lượng xe cá nhân vào thành phố dù người dân vẫn có thể ra, vào thủ đô. Biện pháp hạn chế này là biện pháp nghiêm khắc nhất từng áp dụng ở Matxcơva trong lịch sử. Theo báo Anh The Guardian, Nga cũng cân nhắc áp dụng các biện pháp mạnh như ở Ý và Vũ Hán. Lệnh cấm tương tự có thể áp dụng với vùng Matxcơva mở rộng với dân số khoảng 7 triệu người. Nga đã xác nhận có 1.534 ca dương tính với virus corona và 8 trường hợp tử vong. 

Tại Trung Quốc, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong cho biết số ca dương tính với virus corona chủng mới còn điều trị tại nước này đã giảm xuống dưới 3.000 ca. Trung Quốc khẳng định về cơ bản Trung Quốc đã ngăn chặn lây nhiễm trong nước thành công, song cảnh báo nguy cơ dịch bệnh bùng phát từ những người nhập cảnh vẫn còn cao trong tình hình hiện tại.

Số người chết do COVID-19 tiếp tục tăng nhanh ở châu Âu và Mỹ, nâng số ca tử vong toàn cầu lên 33.909 người, số người nhiễm lên đến 720.480 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.

PV