Hôm 5/12, Joseph Vincent, 58 tuổi, từng là người cung cấp thông tin mật cho Cơ quan Phòng chống ma túy Mỹ (DEA), đã trở thành người thứ tư nhận tội trước tòa án Mỹ vì vai trò của anh ta trong vụ ám sát Tổng thống Haiti vào tháng 7/2021.

Là người Mỹ gốc Haiti, Vincent nằm trong số 11 bị cáo, trong đó có các cựu quân nhân và doanh nhân người Colombia bị buộc tội hỗ trợ cung cấp tài chính và vũ khí cũng như trực tiếp thực hiện vụ ám sát vào rạng sáng ngày 7/7/2021 tại tư dinh của Tổng thống Haiti Jovenel Moise ở thủ đô Port-au-Prince, giết chết ông này bằng hàng chục phát đạn và làm người vợ bị thương.

Vincent bị bắt vài ngày sau vụ ám sát cùng với một người Mỹ gốc Haiti khác, James Solages. Ban đầu cả hai khai họ được những kẻ chủ mưu thuê làm thông dịch viên.

leftcenterrightdel
 Joseph Vincent và một số nghi phạm trong vụ ám sát bị bắt giữ. Nguồn: @viptvnetworkht.

Theo nhà chức trách, khoảng 20 công dân Colombia và một số công dân Mỹ gốc Haiti đã tham gia vào âm mưu. Những kẻ chủ mưu ban đầu lên kế hoạch bắt cóc Tổng thống Haiti nhưng sau đó quyết định giết ông.

Khi thực hiện vụ ám sát, các tay súng được cho là đã giả dạng đặc vụ DEA.

Vincent đã đạt được thỏa thuận nhận tội với các Công tố viên để được xem xét một mức án nhẹ hơn. 

Các bị cáo khác đã nhận tội là cựu sĩ quan quân đội Colombia Germán Alejandro Rivera Garcia, người bị kết án tù chung thân vào tháng 10; doanh nhân người Haiti gốc Chile Rodolphe Jaar, bị kết án tù chung thân vào tháng 6 và cựu thượng nghị sĩ Haiti John Joël Joseph, người đã bị giam giữ ở Jamaica trước khi bị dẫn độ về Miami, Mỹ vào năm ngoái và sẽ bị kết án vào ngày 19/12.

leftcenterrightdel
 Ông Moise và phu nhân Martine trong lễ tuyên thệ nhậm chức ở Port-au-Prince, Haiti, vào ngày 7/2/2017. Ảnh: CNN. 

Vincent sẽ bị kết án vào ngày 9/2/2024, người phải đối mặt với mức án tối đa là chung thân, với các tội danh bao gồm âm mưu giết và bắt cóc một người bên ngoài nước Mỹ và âm mưu cung cấp hỗ trợ tài chính, phương tiện cho vụ việc.

Các băng nhóm vũ trang ở Haiti đã trỗi dậy tranh giành lãnh thổ kể từ năm 2021 với tình trạng bạo lực, đấu súng, bắt cóc và cưỡng hiếp tập thể xảy ra trên phần lớn lãnh thổ, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Vụ giết hại Tổng thống Moise đã để lại một khoảng trống chính trị ở quốc gia Caribe và khuyến khích các băng nhóm nổi lên, tình trạng bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ. Tháng 10/2022, Thủ tướng Haiti đã phải yêu cầu LHQ triển khai lực lượng an ninh quốc tế hỗ trợ cảnh sát quốc gia trấn áp, khôi phục an ninh, trật tự trên toàn lãnh thổ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu cho phép một lực lượng an ninh đa quốc gia do Kenya dẫn đầu, hỗ trợ chính quyền Haiti đối phó với các băng đảng từ tháng 10 năm nay, tuy nhiên vì nhiều lý do từ phía Haiti, việc này đã bị trì hoãn.

Văn Phong (theo Reuters)