Với mật độ các dấu chân được phát hiện dày đặc, giới khoa học đã mệnh danh địa điểm này là một “Sàn nhảy của khủng long”.  Xing Lida - nhà cổ sinh vật học tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc và là một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết có khoảng 200 dấu vết của khủng long được tìm thấy trong phạm vi khai quật 100 mét vuông.

leftcenterrightdel
Các dấu chân khủng long được phát hiện tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã 

Theo Tân Hoa Xã, sự tập trung của các dấu chân khủng long chỉ ra rằng địa điểm này có thể đã từng là con đường cho khủng long di chuyển trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, cụ thể là vào thời kỳ kỷ Phấn trắng muộn.

Các hóa thạch dấu chân khủng long lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/2020, với số lượng lên đến 240 mẫu dấu chân. Tính đến nay, đã có hơn 600 dấu chân khủng long được tìm thấy tại khu khảo cổ.

Ông Xing Lida cho biết, số lượng dấu chân khủng long dự kiến sẽ vượt quá 1.000 khi công việc khai quật tiếp tục tiến hành. Các vết chân có niên đại 80 triệu năm tuổi được cho là của ít nhất 8 loài khủng long, bao gồm cả khủng long chân thằn lằn, khủng long chân chim và khủng long chân thú.

Theo các nhà khoa học, đây là di chỉ lớn và đa dạng nhất về khảo cổ hóa thạch khủng long ở Trung Quốc cho đến nay, có niên đại từ kỷ Phấn trắng muộn.

Chen Runsheng - Phó Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Phúc Kiến, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, địa điểm này có cấu trúc trầm tích địa chất phong phú, cho thấy nó từng tiếp giáp với nguồn nước nơi khủng long tiêu thụ thức ăn và nước uống.

Ông Chen nói thêm rằng bên cạnh những dấu chân, nhiều hóa thạch khủng long khác cũng có thể được tìm thấy trong khu vực khi quá trình nghiên cứu tiến triển.

Hà Huyền