Cơ quan Công nghệ quốc phòng Hàn Quốc ngày 23-1 công bố báo cáo cho biết Saudi Arabia đứng đầu danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí của Mỹ, với số tiền chi trong giai đoạn 2008-2017 là 10,6 tỷ USD, theo Yonhap.

Đứng ngay sau trong danh sách là Australia với số tiền chi 7,27 tỷ USD. Hàn Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) giữ vị trí thứ 3 và 4 với việc bỏ ra lần lượt 6,73 tỷ USD và 6,7 tỷ USD để mua vũ khí của Mỹ. 

leftcenterrightdel
Bên trong nhà máy sản xuất máy bay F-35 của Mỹ. Ảnh: BI 

Nhật Bản, một đồng minh châu Á chủ chốt của Mỹ, đứng ở vị trí thứ bảy với 3,75 tỷ USD.

Trong bối cảnh an ninh thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, Mỹ tiếp tục hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu vũ khí. Năm 2018, Mỹ thu về 226,6 tỷ USD nhờ hoạt động mua bán vũ khí, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Giới chuyên gia cho rằng khu vực Trung Đông với những cuộc chiến chưa có hồi kết sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Mỹ trong thời gian tới. 

Thêm vào đó, việc xuất khẩu vũ khí của Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới nhờ việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump một mặt nới lỏng quy định bán vũ khí cho nước ngoài, mặt khác thúc ép đồng minh chi nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng hay nói cách khác là chi nhiều hơn để mua khí tài quân sự từ Washington.

Các hãng sản xuất vũ khí lớn nhất của Mỹ gồm Boeing Co, Lockheed Martin Corp, Raytheon Co, General Dynamics Corp và Northrop Grumman Corp. Trong khi đó, những loại vũ khí được Mỹ xuất khẩu chủ yếu gồm súng đạn, thiết giáp hạng nhẹ, máy bay chiến đấu, xe tăng và tên lửa hành trình Patriot.

Thái An