Israel rạng sáng 21/1 tiến hành tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria bằng hàng chục tên lửa. Theo thông báo của Quốc phòng Israel, các chiến đấu cơ của nước này tấn công 10 mục tiêu, trong đó 4 mục tiêu là của lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran và 6 mục tiêu của Syria. Các chuyên gia cho rằng chiến thuật tốt của Israel và sự thiếu chuyên nghiệp của Syria trong bố trí vũ khí là nguyên nhân khiến Pantsir-S1 bị phá hủy.

leftcenterrightdel
Pantsir-S1 trở thành mục tiêu ngon ăn của Israel. Ảnh: IDF 

Theo Defense, đây là lần thứ hai xe chiến đấu Pantsir-S1 của Syria bị tên lửa Israel tập kích. Trong ngày 21/1, Bộ Quốc phòng Israel đăng tải video ghi lại khoảnh khắc một tên lửa của nước này lọt qua lưới phòng không và đánh trúng 2 xe phòng không Pantsir-S1 của Syria, khiến các hệ thống đắt tiền này lập tức trở thành sắt vụn.

Theo các hình ảnh được công bố, cũng giống như lần trước đó vào tháng 5-2018, xe Pantsir-S1 của Syria cũng bị đánh trúng bởi UAV cảm tử Delilah khi nó đang không trong trạng thái hoạt động đầy đủ. Một điểm chung khác là xe Pantsir-S1 được bố trí ở khu vực trống trải, không có hào công sự vây quanh.

leftcenterrightdel
Cách người Nga bố trí Pantsir-S1 tại các căn cứ quân sự. Ảnh: Defense 

Khác với tên lửa hành trình thông thường vốn chỉ bay tới mục tiêu được lập trình sẵn trước khi phóng, Israel sở hữu tên lửa bay chậm, hay UAV Delilah có khả năng thay đổi lộ trình và quần thảo trên khu vực nghi vấn có mục tiêu để sĩ quan điều khiển lựa chọn mục tiêu đắt tiền nhất rồi mới lao xuống.

"Việc nằm lộ liễu giữa chiến trường mà không có biện pháp bảo vệ và ngụy trang khiến Pantsir-S1 trở thành mục tiêu dễ bị tập trung tiêu diệt, nhất là khi đối phương sở hữu các tên lửa có khả năng lượn trong thời gian dài và bổ nhào xuống mục tiêu như Delilah", đại tá Mikhail Khodorenok, Cựu chỉ huy trong lực lượng phòng không Nga, nhận định.

Kích thước nhỏ và khả năng cơ động linh hoạt giúp Delilah phù hợp với nhiệm vụ tiêu diệt hệ thống phòng không đối phương. Thêm vào đó, khi Delilah phát hiện những chiếc xe Pantsir-S1 hiện đại đã bắn hết đạn hoặc không trong trạng thái hoạt động, nó sẽ lao xuống với tốc độ cao nhất có thể.

leftcenterrightdel
 Tên lửa Delilah tinh quái của Israel. Ảnh: ITN

Nếu được bảo vệ kĩ lưỡng bởi hảo công sự, Delilah, với đầu nổ nhỏ, sẽ gây hư hại phần nào cho mục tiêu. Tuy nhiên, nếu mục tiêu nằm giữa khoảng đất trống như cách bố trí Pantsir-S1 của Syria, chúng gần như không có cơ hội sống sót nào.

Trong trường hợp này, Israel đã phóng Delilah từ khoảng cách xa không phận Syria vào trong lãnh thổ nước này cùng hàng chục tên lửa các loại. Khi hệ thống phòng không của Syria chưa kịp tái nạp đạn, các sĩ quan điều khiển tên lửa sẽ lập tức hướng mục tiêu vào những hệ thống này và tiêu diệt chúng nhanh gọn.

Pantsir-S1 là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không hỗn hợp phát triển từ nền tảng 2K22 Tunguska, được bổ sung nhiều tính năng và vũ khí mới để đối phó với các mối đe dọa trên không tầm thấp và trung. Nhiệm vụ chính của Pantsir-S1 là bảo vệ cơ sở hạ tầng tại các căn cứ quân sự.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh hệ thống Pantsir-S1 bị phá hủy năm 2018. Ảnh: Twitter

Một hệ thống Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Bên cạnh đó, nó có thể mang thêm 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 để tiêu diệt mục tiêu trên không từ khoảng cách 10-20 km. 

Về hệ thống radar, Pantsir-S1 trang bị radar điều khiển hỏa lực băng tần kép 1RS2 khả năng hoạt động trong dải tần UHF và EHF bước sóng nhỏ. Tầm trinh sát của 1RS2 khoảng 30km, theo dõi mục tiêu từ cự ly 24km (đối với các mục tiêu có diện tích phản xạ sóng radar từ 2cm2-3cm2).

Với khả năng tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu thông qua cả radar và hệ thống ngắm quang điện tử, Pantsir-S1 có khả năng tấn công cùng lúc nhiều mục tiêu di động. Tuy nhiên, Pantsir-S1 cần được bố trí theo tổ đội hoặc cùng các hệ thống phòng không có tầm bắn khác nhau để đảm bảo không bỏ lọt mục tiêu.

 
Thái An