Ngày 20/7, Phiên tòa xét xử đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) đã bước sang ngày xử thứ hai với phần công bố bản cáo trạng của Viện Kiểm sát (VKS).
Ở phần này, đáng chú ý hơn cả là xuất hiện một nhân vật bí hiểm Phạm Thị Trang (biệt danh Trang “phố núi”). Chính nhân vật này đã hai lần “giúp đỡ” Phạm Công Danh gây thất thoát cho VNCB hơn 5.500 tỷ đồng.
Giúp Phạm Công Danh vay tiền từ Trần Ngọc Bích
Theo cáo trạng của VKS, từ cuối năm 2012 đến giữa năm 2013, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cho thuộc cấp lập hồ sơ cho Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) và nhiều người thân quen khác vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm này (sau đây gọi là nhóm Trần Ngọc Bích).
|
Phạm Công Danh tại phiên tòa |
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu thập được từ Tập đoàn Thiên Thanh một số chứng từ trả tiền cho nhóm Trần Ngọc Bích khoảng 730,5 tỉ đồng. Các chứng từ này không thể hiện rõ ràng việc chi lãi suất mà chỉ là chứng từ viết tay hoặc chuyển tiền thông thường.
Trước đó, Phạm Công Danh thông qua Trang “phố núi” đặt vấn đề với ông Trần Quý Thanh, Trần Ngọc Bích và nhóm Trần Ngọc Bích gửi tiền tiết kiệm vào VNCB để Danh làm các thủ tục vay – rút tiền.
Bà Trần Ngọc Bích khai không có quan hệ gì với Phạm Công Danh. Năm 2012, Trang "phố núi" gọi điện cho bà Bích đề nghị gửi tiền vào Trustbank (sau đổi tên là VNCB) và giới thiệu gặp Hoàng Đình Quyết là giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn để gửi tiền tiết kiệm. Sau đó, bà Bích đề nghị VNCB cho vay lại thông qua cầm cố sổ.
Tuy nhiên, Trang "phố núi" lại đề nghị bà Bích cho vay lại số tiền bà Bích đã vay của VNCB. Các lần vay này Trang đều chỉ định bà Bích chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Công Danh.
Từ tháng 12/2012 đến tháng 7/2013, đã có 16 lần với 122 khoản vay bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm với tổng số tiền VNCB đã giải ngân hơn 17.761 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích, trong đó có 16.260 tỷ đồng được chuyển đến tài khoản của Phạm Công Danh.
Sau khi tiền đến tài khoản, Phạm Công Danh sử dụng để trả nợ cho chính các khoản vay trước đó của Trần Ngọc Bích, một phần dành để đảo nợ, chi chăm sóc khách hàng và sử dụng cá nhân.
Tuy nhiên trong tháng 8/2013, có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB trong tài khoản Trần Ngọc Bích chuyển vào tài khoản Trần Công Danh, nhưng không có chữ ký bà Bích. Ngoài ra, Danh còn chỉ đạo rút 300 tỷ đồng từ sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích, nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay.
Số tiền này, Danh khai dùng để đảo nợ, trả nợ, chi chăm sóc khách hàng và trả lãi vượt trần ngoài hợp đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích. Tuy nhiên Trần Ngọc Bích không thừa nhận cho Danh vay tiền, và cũng không thừa nhận thỏa thuận nhận lãi ngoài.
Ký hợp đồng khống để rút tiền
Nhân vật Trang “phố núi” hiện đang trốn ở nước ngoài. Trước đây còn ở Việt Nam, có mở nhà hàng Phố Núi trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội). Chính từ đó được gắn với biệt danh Trang “phố núi”.
Năm 2006, liên quan đến vụ án bê bối tại PMU8, vợ chồng bà Trang đã nhờ luật sư khởi kiện báo chí, đòi đính chính xin lỗi vì đăng thông tin Bùi Tiến Dũng sử dụng nhà hàng Phố Núi như một địa điểm ăn chơi xa đọa và Dũng đã tặng bà Trang 1 chiếc xe hơi có biển số giá 2 ngàn đô la. Lần đó bà Trang khẳng định Bùi Tiến Dũng chỉ là một khách hàng đến ăn uống bình thường, và bà không có bất ký mối quan hệ nào với Dũng.
|
Không những vậy, Trang “phố núi” còn giúp Phạm Công Danh và 6 đồng phạm khác (là: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Phạm Việt Thép và Lê Công Thảo) tạo dựng hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống Corebanking để chiếm đoạt hơn 63,2 tỷ đồng của VNCB
Do VNCB bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá từ 5 tỷ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát NHNN. Vì vậy, Phan Thành Mai đề xuất muốn rút được nhiều tiền chỉ có thể rút thông qua nâng cấp hệ thống Corebanking.
Trong vụ việc này, Trang "phố núi" (là em ruột của Phạm Việt Thép) đã đứng ra giới thiệu cho Danh sử dụng Công ty An Phát để ký hợp đồng khống trong việc cung cấp dịch vụ nâng cấp hệ thống Corebanking.
Công ty An Phát thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thành lập năm 2012, do Phạm Công Danh nhờ Phạm Việt Thép đứng tên giám đốc. Tuy nhiên từ khi thành lập, công ty An Phát không hoạt động, không phát hành hóa đơn và đóng thuế cho Nhà Nước.
Theo chỉ đạo của Danh và Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương đã tạo dựng hợp đồng về việc Công ty An Phát cung cấp gói dịch vụ tư vấn giải pháp nâng cao hệ thống corebanking, với giá trị hợp đồng 252 tỷ đồng. Khương khai nhận, tháng 5/2013 Khương vào phòng làm việc của Phạm Công Danh thì đã thấy Trang "phố núi" ở trong phòng. Trang yêu cầu Khương dùng Công ty An Phát để làm đối tác thực hiện việc nâng cấp Corebanking và Trang “phố núi” giao cho Khương xây dựng hợp đồng để ký kết.
Sau khi ký hợp đồng, VNCB đã chuyển hơn 63,2 tỷ đồng vào tài khoản Công ty An Phát. Sau đó nhân viên tài chính Tập đoàn Thiên Thanh rút, rồi nộp hơn 52,5 tỷ đồng vào tài khoản Phạm Công Danh. Số tiền còn lại hơn 10,6 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản đồng sở hữu của các bị cáo nói trên. Đến nay, toàn bộ số tiền hơn 63,2 tỷ đồng này VNCB không thu hồi được.
Theo Bá Nguyên Hợp
(tiêudùng24g)