(BVPL) - Như chúng ta đã biết một trong những điều kiện ra nhập TPP đó là vấn đề sử hữu trí tuệ. Đây cũng là một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa mà họ đã gây dựng. Việc đầu tiên đó là đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng mọi biện pháp đúng theo quy định của pháp luật để bảo vệ “cái tên của chính mình”.


Tòa án thụ lý đơn

 

Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp, TP.HCM vừa có thông báo với Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới (Cty Viên Ngọc Mới) về việc tiến hành thụ lý vụ án về nhãn hiệu “Sườn Cây” - một chuỗi nhà hàng đồ nướng - của doanh nghiệp này được cho là đang bị làm nhái nhãn hiệu.


Theo đó, đầu tháng 2/2016, Cty Viên Ngọc Mới phát hiện Công ty CP  Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty khi chưa có sự đồng ý của Công ty này.


Trong đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Quận Gò Vấp, TP.HCM, Cty Viên Ngọc Mới đã 3 lần gửi công văn khuyến cáo; yêu cầu nhà hàng “Sườn cây nhái” tại địa chỉ 97 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh  phải chấm dứt việc sử dụng thương hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu. Tuy nhiên, phớt lờ yêu cầu nói trên, Công ty CP Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM không phản hồi và cũng không chấm dứt hành vi vi phạm này.

 

Cuối tháng 3/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới đã có văn bản chính thức đề nghị Viện Khoa học Sở Hữu Trí Tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành giám định sở hữu công nghiệp đối với các chứng cứ vi phạm của Công ty CP  Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM.


Tại kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ: “Dấu hiệu “Sườn Cây” gắn trên biển hiệu nhằm kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419 của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới” (Nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới đăng ký và được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419, thời hạn 10 năm kể từ ngày 5/8/2014).

 

 Nhãn hiệu “Sườn cây” đã được bảo hộ trí tuệ
Nhãn hiệu “Sườn cây” đã được bảo hộ trí tuệ


Cung cấp chứng cứ cho Tòa án


Trao đổi với phóng viên, ông Phan Bá Ngọc, Tổng Giám đốc Cty Viên Ngọc Mới cho biết, “Điều chúng tôi đang trăn trở, bức xúc nhất hiện nay là làm sao sớm bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, sớm có những giải pháp để cùng người tiêu dùng trở thành những người bạn đồng hành thông minh. Trong môi trường công nghệ hiện đại ngày nay, các khách hàng của Sườn Cây hoàn toàn có thể dễ dàng kiểm tra đâu là hệ thống Sườn Cây chính hiệu và đâu là nhãn hiệu giả mạo với chỉ bằng vài cú click chuột hoặc chạm tay trên màn hình. Cho dù có những sự cố ý tạo sự tương đồng hoặc gây nhầm lẫn ở vẻ bề ngoài, song để tự bảo vệ quyền lợi của mình, khách hàng chỉ cần để ý một chút, sẽ thấy được sự khác biệt giữa Sườn Cây và nhà hàng cố tình làm nhái từ hệ thống nhận diện như logo, màu sắc, đến cách bố trí nhà hàng, đặc biệt là chất lượng món ăn, thái độ phục vụ….”.


“Chúng tôi mong rằng sẽ nhận được sự ủng hộ cũng như những thông tin từ phía khách hàng về những trường hợp nhái, giả thương hiệu Sườn Cây để chúng tôi có thể sớm hỗ trợ khách hàng trong việc nhận diện nhãn hiệu tốt hơn cũng như sớm có hướng giải quyết nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho khách hàng”, ông Ngọc nói.


Ông Phan Đăng Tân, Chánh án Tòa án Nhân dân quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện chúng tôi đã giao thẩm phán giải quyết vụ khởi kiện này trên cơ sở hồ sơ, chứng từ, ý kiến các bên đương sự, thu thập đánh giá chứng cứ rồi tiến hành xét xử theo đúng quy trình của Bộ luật tố tụng dân sự. Về tính pháp lý của vụ khởi kiện này thì chúng tôi chưa thể đưa ra vì vụ án chỉ mới ở mức ban đầu. Về thành phần hồ sơ đầy đủ hay không đầy đủ thì trong quá trình giải quyết vụ kiện sẽ được làm rõ. Các bên có thể bổ sung trong suốt quá trình làm việc. Hiện vụ án mới được thụ lý nên chúng tôi cũng chưa mời hai bên lên làm việc”.


Luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, Toà án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nguyên đơn – tức Cty Viên Ngọc Mới phải chứng minh mình là chủ thể quyền đối với nhãn hiệu; cung cấp cho Tòa án chứng cứ về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chứng minh thiệt hại thực tế đã xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Trong hồ sơ khởi kiện cho thấy Cty Viên Ngọc Mới đã cung cấp các chứng cứ chứng minh mình là chủ thể quyền đối với Nhãn hiệu “Sườn cây”; chứng minh hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của Công ty Cổ phầnDịch vụ ăn uống và giải trí Anh Em….”.


Đức Thắng
 

.