Ngày 17/9 trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện báo cáo sự việc đầu tư đường giao thông và hồ thủy lợi tại địa bàn xã Êa Yông cho Thường trực Huyện ủy. “Quan điểm của huyện nếu có vi phạm thì phải xử lý theo quy định” – vị lãnh đạo này nói.

leftcenterrightdel
Đường bê tông được đầu tư tiền tỉ, nhưng chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất cho một số hộ dân. 

Cùng ngày, ông Đoàn Đại Lý - Chánh văn phòng UBND huyện Krông Pắc xác nhận, UBND huyện đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy. Hiện UBND huyện đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn làm báo cáo theo chỉ đạo của Thường trực.

Liên quan đến sự việc này, trước đó tại báo cáo số 81/BC-UBND ngày 27/3/2020, UBND huyện Krông Pắc khẳng định: “Việc đầu tư xây dựng các trục đường giao thông nông thôn tại buôn Ea Yông A đảm bảo theo các trình tự, thủ tục quy định hiện hành”.

Việc nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Buôn Jung (hồ Phước Hà), UBND huyện cũng khẳng định, việc đầu tư xây dựng “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” là hoàn toàn đúng về địa điểm và vị trí đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh...

Tuy nhiên, tại Báo cáo số 13/BC-BKTXH ngày 28/4/2020 của Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện Krông Pắc đã làm rõ một số nội dung trong giám sát tình hình xây dựng đường giao thông nông thôn tại buôn Êa Yông A và đầu tư, sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước tại Buôn Jung, xã Êa Yông theo yêu cầu của Thường trực HĐND huyện.

leftcenterrightdel
"Nhập nhằng“ hồ thủy lợi có 2 tên "Hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” đã được đầu tư xây dựng kiên cố thì lượng nước không đáng kể.

Ban Kinh tế - Xã hội cho rằng, việc đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn tại buôn Êa Yông A là không đúng thực tế, mục tiêu đầu tư chưa sát, chưa đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định.

Theo Ban Kinh tế - Xã hội, các văn bản của UBND huyện thể hiện, mục tiêu đầu tư là “đáp ứng nhu cầu đi lại, tang lễ, vận chuyển hàng hóa của khu dân cư,...”. Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng, Ban Kinh tế - Xã hội cho thấy, xung quanh đoạn đường này không quy hoạch nghĩa địa, không có nhà dân, chỉ có nương rẫy cà phê của một số hộ dân..

leftcenterrightdel
Miệng cống đập tràn của “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” nằm khá cao so với lượng nước hạn chế dưới lòng hồ. 

Qua tìm hiểu thì được biết đoạn đường đã được đầu tư xây dựng nói trên, có đất rẫy của một vị cán bộ lãnh đạo cấp phòng của huyện Krông Pắc. Điều này khiến cho dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi, liệu có hay không việc “nắn” đường vào đất rẫy nhà quan?

Một cán bộ (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện) cho biết, đoạn đường giao thông nông thôn tại buôn Êa Yông A nói trên có chiều dài gần 1km với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó, đã đầu tư xây dựng gần 700m.

Còn việc nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Buôn Jung (hồ Phước Hà). Trước đó, vào năm 2011, UBND huyện Krông Pắc đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật – thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đối với công trình sửa chữa, nâng cấp hồ Buôn Jung. Theo quyết định này, mục tiêu đầu tư sửa chữa, nâng cấp hồ Buôn Jung để phục vụ tưới cho 145ha (trong đó có 25ha lúa và 120ha cà phê), với tổng mức đầu tư là hơn 6,9 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
Trong khi đó tại hồ Buôn Jung II (ở thôn Tân Sơn), cách “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” khoảng 7km thì có lượng nước khá lớn.

Tuy nhiên, sau đó nhiệm vụ của công trình này lại được thu hẹp, chỉ cấp nước tưới cho 55ha cà phê và 5ha lúa 2 vụ, với giá trị dự toán xây dựng công trình là 12,95 tỉ đồng. Đặc biệt, tên hồ cũng “bất ngờ” được thay đổi thành “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” - công văn số 840 ngày 27/3/2019 của Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Lắk nêu.

Lý giải vì sao hồ thủy lợi có hai tên gọi, ông Nguyễn Thành Long – Chi Cục trưởng Chi cục  thủy lợi, Sở NN & PTNT cho biết, sau khi thẩm định hồ sơ thiết kế và căn cứ vào địa hình, bản vẽ mà huyện trình lên, Sở dò trên tọa độ thì thấy tọa độ vị trí hồ Buôn Jung trùng khớp với tọa độ của hồ Phước Hà. Do đó, Sở đã đóng mở ngoặc “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” để đỡ nhầm lẫn với hồ Buôn Jung khác.

Trong khi đó, báo cáo của Ban Kinh tế - Xã hội, HĐND huyện Krông Pắc cho rằng: “Hồ chứa nước Buôn Jung và hồ Phước Hà là hai hồ hoàn toàn khác nhau, việc không đầu tư hồ Buôn Jung mà đầu tư hồ Phước Hà là không đúng về địa điểm và vị trí đầu tư ?. Ngoài ra, các văn bản pháp lý của các cấp liên quan đến việc đầu tư, sửa chữa hồ chứa nước Buôn Jung từ năm 2010 đến tháng 3/2019 đều đề cập đến hồ Buôn Jung, chứ không đề cập đến hồ Phước Hà”....

 
leftcenterrightdel
Ghi nhận của PV tại “hồ Buôn Jung II”, lượng nước ở hồ thủy lợi này khá đầy, nước đang chảy liên tục qua mương tạm bằng đất.

Ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông cho hay, trong tất cả hồ sơ thiết kế ban đầu đều có tên là hồ Buôn Jung. Tuy nhiên, đến khi các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát để xác định mặt bằng thì lại là hồ Phước Hà. Khi được mời đi khảo sát, UBND xã phát hiện không đúng tên hồ.

Nên sau đó ngày 4/4/2019 UBND xã đã có văn bản báo cáo gửi cơ quan chức năng các cấp về việc đầu tư, xây dựng hồ Buôn Jung, theo đó UBND xã đề xuất tên dự án đã được phê duyệt là hồ Buôn Jung thì phải thực hiện đúng địa điểm, tên gọi của hồ Buôn Jung, không đầu tư trên hồ Phước Hà vì thực tế hồ này phụ thuộc vào nước mưa, không có mạch, nếu đầu tư sẽ không có hiệu quả, gây lãng phí tiền của nhân dân và của Nhà nước...”. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” vẫn được thi công và hoàn thành vào tháng 1/2020.

leftcenterrightdel
Làm việc với PV, chỉ có ông Nguyễn Đình Hưng (Cán bộ kỹ thuật BQLDA) trả lời. Các ông Nguyễn Đình Tám, Giám đốc (vừa nhận nhiệm vụ từ tháng 3) và ông Phạm Văn Chương, Phó giám đốc BQLDA, ngồi im lặng vì không nắm rõ...  

Qua tìm hiểu trên thực tế, “hồ Phước Hà” (ở thôn Phước Hà) còn “hồ Buôn Jung II” (ở thôn Tân Sơn) cách nhau khoảng 7km cùng thuộc địa bàn xã Ea Yông.

Ghi nhận và quan sát của PV tại “hồ Buôn Jung II”, lượng nước ở hồ thủy lợi này khá đầy, nước đang chảy liên tục qua mương tạm bằng đất. Trong khi đó lượng nước ở “hồ Buôn Jung (hồ Phước Hà)” đã được đầu tư xây dựng kiên cố thì không đáng kể, đập tràn nằm khá cao so với lượng nước dưới lòng hồ.

Ông Tạ Văn Châm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Yông trao đổi thêm: “Nếu so sánh thì “hồ Buôn Jung II” có trữ lượng nước lớn hơn vì có mạch nước và dễ gây hiểm họa hơn cho vùng hạ du. Còn “hồ Phước Hà” chỉ tích nước mưa, mưa nhiều hồ mới có nước còn mùa hạn thì lượng nước rất ít, còn việc “nhầm” tên hồ thì tôi không biết vì sao?./.

Nguyễn Chính