Liên quan đến việc chị Đoàn Thị M.A, (SN 1998, địa chỉ Q. Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) bị đối tượng Nguyễn Đức Hùng (SN 1993, địa chỉ, thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đồng Anh, TP Hà Nội) sàm sỡ, đánh gây thương tích tại Trung tâm thương mại Aeon Long Biên; phải nhập viện điều trị, gây bức xúc dư luận. Mới đây, ngày 10/8, chị M.A nhận được thông báo Kết luận giám định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Long Biên.

Theo đó, Kết luận giám định pháp y nêu: “Các chạm thương phần mềm vùng đầu, một không sưng nề bầm tím không có sẹo: Thông tư số 22/2019 BYT ngày 28/8/2019 không có chương mục nào quy định cho điểm tỷ lệ tổn hại sức khỏe đối với các chạm thương này.

Bệnh nhân có dấu hiệu rối loạn tâm thần. Đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên trưng cầu giám định pháp y tâm thần (nếu cần thiết)”.

Bày tỏ quan điểm về kết luận của cơ quan Công an, chị M.A cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, chị phải nhập viện điều trị. Trong quá trình điều trị, chị được các bác sĩ chẩn đoán, tổn thương hộp sọ không đặc hiệu, và các bác sĩ khuyến cáo theo dõi chấn thương sọ não. Là một cô gái trẻ, từ TP HCM ra TP Hà Nội gặp sự việc như vậy, chị rất bức xúc và tổn thương nặng nề tâm lý, tinh thần thì bị suy sụp. Chị M.A còn  phải chịu số tiền không nhỏ để nằm viện điều trị…

Đánh giá và đưa ra ý kiến về hành vi của đối tượng Hùng, chuyên gia pháp lý Phí Văn Hiếu, Công ty Luật Đại Dương, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Hành vi mà đối tượng Hùng đã gây ra cho chị M. A. cần bị xã hội lên án và pháp luật xử phạt thật nghiêm, để làm gương cho những người khác.

Chuyên gia pháp lý Phí Văn Hiếu chia sẻ, đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng thường là những người thiếu văn hóa, coi thường pháp luật hoặc có vấn đề về bệnh lý, tâm lý. Nếu không có biện pháp mạnh để xử lý, giáo dục và răn đe thì ngày càng nhiều hành vi sàm sỡ, quấy rối  phụ nữ có thể xảy ra ở nơi công cộng, gây mất an ninh trật tự xã hội.

Do đó, lực lượng Công an khi tiếp nhận thông tin về hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng thì phải lập ngay hồ sơ và tổ chức truy xét, rà soát đối tượng; phải kiên quyết tìm ra đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định.

Đồng thời, cần "bêu tên" đối tượng ở nơi cư trú và  phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật; yêu cầu đối tượng phải bồi thường danh dự và thiệt hại về tinh thần, công khai xin lỗi đối với mình...

 
leftcenterrightdel
 Trung tâm Thương mại AEON MAII, nơi chị Đoàn Thị M. A bị đối tượng Nguyễn Đức Hùng "sàm sỡ".

Trước đó, như Báo Bảo vệ pháp luật đã thông tin, tối 16/7, chị M.A đến Trung tâm thương mại AEON MALL Long Biên ăn uống và mua sắm.

Khoảng 20h cùng ngày, chị ra về và đứng ở cổng số 2 của Trung tâm thương mại để đợi bạn. Lúc này, chị thấy bất giác thấy có người đàn ông lướt qua và bóp vào mông của mình. Bất bình trước hành vi của kẻ biến thái đó, chị A. đuổi theo và có đá nhẹ vào chân người đàn ông này và yêu cầu giải thích về hành động vừa gây ra với chị. Lúc này, Hùng quay lại to tiếng với chị A. và phủ định hành vi quấy rối.

Không dừng lại ở đó, đối tượng Hùng còn dùng tay đánh nhiều lần vào người chị A. khiến chị A, ngã gục xuống. Cô gái trẻ khóc lóc kêu cứu nhưng không nhận được sự giúp đỡ của nhiều người chứng kiến.

“Điều khiến em tổn thương và đau đớn nhất là một phụ nữ bị kẻ biến thái sàm sỡ, tấn công ngay trong siêu thị có rất đông người chứng kiến, nhưng không thấy một ai ra can ngăn. Chỉ đến khi, bạn em quay lại níu giữ được Hùng và Ban Quản lý siêu thị có mặt, mọi việc mới dừng lại”, chị A. nói trong tủi hờn.

Theo chị A., ban đầu, Hùng không thừa nhận hành vi sai trái của mình, một mực cãi bằng được là mình không làm điều đó với chị. Tuy nhiên, khi Ban Quản lý Trung tâm thương mại mời vào làm việc và xem lại camera của siêu thị ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc, Hùng mới thừa nhận hành vi của mình...

Trong suốt thời gian chị A. nằm điều trị (từ ngày 16/7 – 22/7), đối tượng Nguyễn Đức Hùng không đến thăm hỏi hoặc xin lỗi đối với chị A, càng khiến nạn nhân bức xúc.

Trao đổi về vụ việc, Luật sư Trần Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi quấy rối theo quy định pháp luật hiện hành không bị đưa vào một trong các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự.

“Trước đây, người có hành vi sàm sỡ hay cử chỉ, lời nói trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác chỉ bị áp dụng mức phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng theo điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo quy định mới tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 8 triệu đồng”.

leftcenterrightdel
 Đối tượng Nguyễn Đức Hùng thừa nhận đã "sàm sỡ " chị Đoàn Thị M.A tại Ban Quản lý Trung tâm Thương mại AEON MAII Long Biên.

Cũng theo Luật sư Trần Đức Thắng, ngoài việc bị xử phạt hành chính, người bị sàm sỡ có quyền khởi kiện ra Tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 584, Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Đây là yêu cầu buộc người quấy rối phải bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần từ hành vi quấy rối.

“Nếu các bên không thỏa thuận được số tiền bồi thường, thì người quấy rối phải bồi thường cho người bị quấy rối, tối đa là 10 tháng lương cơ bản. Hơn nữa, nếu chứng minh được có thiệt hại vật chất thì người quấy rối cũng phải bồi thường”, Luật sư Thắng phân tích.

Nếu hành vi sàm sỡ của đối tượng xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nạn nhân thì đối tượng thực hiện hành vi sàm sỡ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015.

Điều 155 BLHS. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

 



Vũ Lâm