Vợ chồng giám đốc làm giả hợp đồng bán biển quảng cáo
Cập nhật lúc 11:33, Thứ hai, 09/05/2016 (GMT+7)
Ngày 6-5, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử Trần Thăng Long (SN 1975, trú ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến thương hiệu BMS (gọi tắt là Công ty BMS) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức". ( biển quảng cáo, giám đốc , hợp đồng , Vợ chồng)
Ngày 6-5, TAND TP Hà Nội đã tiến hành xét xử Trần Thăng Long (SN 1975, trú ở thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) - nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến thương hiệu BMS (gọi tắt là Công ty BMS) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Liên quan đến vụ việc này, vợ của Trần Thăng Long là Mai Thị Bích Liên (SN 1984, trú ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Rồng Đông Á (gọi tắt là Công ty Rồng Đông Á) cũng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, năm 2004, Trần Thăng Long thành lập và làm Tổng giám đốc Công ty BMS với ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ quảng cáo ngoài trời và tổ chức sự kiện. Sau 5 năm, do công ty làm ăn thua lỗ nên Trần Thăng Long tự ý xóa bỏ địa chỉ doanh nghiệp.
Tháng 9-2009, Chi cục thuế quận Đống Đa đã ra thông báo về việc Công ty BMS tự bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 9-2007, công ty của Long đã mua lại vị trí biển quảng cáo ngoài trời tại Km7+850 ven đường Thăng Long - Nội Bài (nay là đường Võ Văn Kiệt, thuộc xã Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) từ Công ty Hà Thái.
Vào thời gian này, Long lấy tư cách người đại diện của Công ty BMS bán lại vị trí quảng cáo ngoài trời nói trên cho Công ty Toàn Cầu trong thời hạn 2 năm với giá 70.000USD. Kèm theo đó, Long cũng đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy phép quảng cáo cho đối tác. Tuy nhiên, do Công ty BMS đang thực hiện hợp đồng quảng cáo tại vị trí Km 7+850 đường Võ Văn Kiệt cho một doanh nghiệp khác nên Công ty Toàn Cầu chấp thuận lùi thời gian sử dụng biển quảng cáo tới đầu tháng 7-2011.
Cũng theo tài liệu truy tố, tháng 10-2009, Long bàn với vợ là Mai Thị Bích Liên thành lập Công ty Rồng Đông Á cũng có ngành nghề kinh doanh giống Công ty BMS. Ngay sau khi Công ty Rồng Đông Á ra đời, Long bàn với vợ xác lập một giao dịch giả về vị trí quảng cáo tại vị trí Km 7+850 đường Võ Văn Kiệt để Liên bán cho một doanh nghiệp khác.
Để làm điều này, tháng 6-2010, Long lấy tư cách đại diện Công ty BMS ký hợp đồng số 15, bán biển quảng cáo ngoài trời tại Km 7+850 đường Võ Văn Kiệt cho Công ty Rồng Đông Á rồi chào bán lại cho Công ty CP Golden Gain Việt Nam với giá hơn 1,7 tỷ đồng, trong thời hạn 2 năm. Tại phần chữ ký đại diện Công ty BMS trong hợp đồng số 15, Long lấy tên và giả chữ ký của em trai mình.
Tiếp đó, ngày 10-11-2010, Mai Thị Bích Liên lấy tư cách đại diện Công ty Rồng Đông Á ký hợp đồng bán biển quảng cáo ngoài trời, tại Km 7+850 đường Võ văn Kiệt cho Công ty CP Golden Gain Việt Nam và nhận trước gần 850 triệu đồng của đối tác. Khi Công ty CP Golden Gain Việt Nam yêu cầu phải giao giấy phép quảng cáo thì mới tiếp tục chuyển tiền, Long đã làm giả giấy cấp phép của cơ quan chức năng bằng phương pháp scan, in phun và chứng thực, rồi giao cho đối tác.
Hành vi lừa đảo, làm giả tài liệu của vợ chồng Long chỉ bị phát hiện khi xảy ra tranh chấp và Công ty CP Golden Gain Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc… Trần Thăng Long sau đó bị bắt theo lệnh truy nã và quá trình điều tra, vợ chồng Long đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt của Công ty CP Golden Gain Việt Nam.
Tại phiên tòa, do vắng mặt một số đại diện của những doanh nghiệp liên quan và Trần Thăng Long không thừa nhận các hành vi tội phạm gây ra, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định hoàn trả hồ sơ, điều tra bổ sung nhằm làm rõ thêm một số tình tiết của vụ án.
Theo ANTĐ
.