Thời gian gần đây, trong quá trình cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX), Sở GT-VT phát hiện nhiều trường hợp sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp.

 


Ngồi nhà vẫn có giấy chứng nhận sức khỏe

Ngày 21-8, ông Cao Văn Vũ (SN 1956, trú tại phường 9, TP.Vũng Tàu) đến Sở GT-VT nộp hồ sơ đề nghị đổi GPLX hạng B2. Qua xem xét hồ sơ, cán bộ Sở GT-VT phát hiện giấy chứng nhận sức khỏe của ông Cao Văn Vũ (do một cơ sở y tế ở tỉnh Đồng Nai cấp) có nhiều điểm đáng ngờ như: chữ ký của 4 bác sĩ khám răng hàm mặt, tim mạch, mắt và xét nghiệm giống y chang nhau; con dấu của cơ sở y tế quá mờ; chữ ký của giám đốc cơ sở y tế có dấu hiệu bị cạo sửa… Để làm rõ nghi vấn, cán bộ Sở GT-VT mời ông Vũ lên làm việc. Lúc đầu, ông Vũ khẳng định, giấy chứng nhận sức khỏe nói trên là thật và do chính ông đi khám. Tuy nhiên, khi cán bộ Sở nói sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để giám định là thật hay giả thì ông Vũ khai thật. Do đã 58 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều nên nếu đi khám thì khó đạt nên ông đã nhờ một người tên T. làm dùm giấy chứng nhận sức khỏe nói trên với giá 1 triệu đồng.

Sau đó 2 ngày, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị đổi GPLX hạng B1 của ông Nguyễn Thanh (SN 1970, trú tại phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu), cán bộ Sở GT-VT cũng phát hiện giấy chứng nhận sức khỏe có “vấn đề”. Trong đó, con dấu của cơ sở y tế quá sắc nét, có dấu hiệu bị scan. Biết không thể qua mặt được cán bộ tiếp nhận hồ sơ, ông Thanh phân trần: “Do công việc quá bận rộn, không có thời gian đi khám sức khỏe nên tôi đã nhờ người làm giấy chứng nhận sức khỏe với giá 500 ngàn đồng”.

Ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GT-VT cho biết: Chỉ tính riêng trong 2 tháng 7 và 8 vừa qua, trong quá trình cấp, đổi GPLX, Sở đã phát hiện gần 50 trường hợp sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe không hợp pháp. Phần lớn trong số này là giấy chứng nhận sức khỏe giả hoặc cạo sửa thông tin, hình ảnh trong các giấy chứng nhận sức khỏe thật.

Siết chặt quy trình cấp, đổi GPLX

Theo ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, việc sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp trong cấp, đổi GPLX không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Nếu người lái xe có thể lực yếu, mắt, tai kém, chân, tay bị tật hoặc bị bệnh tim mạch thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao.

Vì vậy, hiện Sở GT-VT đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp trong cấp, đổi GPLX. Từ 9-2014, Sở đã bố trí thêm cán bộ ở khâu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi GPLX để “soi” kỹ từng loại giấy tờ có liên quan. Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu tất cả người dân có nhu cầu cấp, đổi GPLX phải trực tiếp đến nộp hồ sơ (không được nhờ người khác nộp dùm) để cán bộ tiếp nhận hồ sơ trao đổi thông tin, ghi nhận tình trạng sức khỏe. Nếu thấy bộ hồ sơ nào nghi vấn, Sở sẽ chuyển đến cơ quan chức năng để xác minh hoặc trưng cầu giám định.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Từ tháng 9-2014, Sở sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp. Ngoài ra, Sở sẽ ra quyết định tịch thu GPLX và hồ sơ gốc của người sử dụng giấy chứng nhận sức khỏe bất hợp pháp. Người bị tịch thu GPLX trong trường hợp này sẽ bị “treo” tài trong vòng 5 năm, sau đó mới được phép học và thi lại để cấp GPLX mới.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.