Gần đây trên địa bàn một số tỉnh giáp biên giới của Việt Nam xuất hiện một số đối tượng tội phạm mới là thanh niên nước ngoài.
 
Lợi dụng sự hiếu khách của người dân, các đối tượng này "ngụy trang" thành khách du lịch để vào Việt Nam thực hiện mưu đồ buôn bán ma túy và trộm cướp tài sản của người dân.
 
“Hợp đồng người”
 
Ngày 7/8, cơ quan CSĐT công an tỉnh Tây Ninh cho biết, đang tạm giữ một thanh niên Campuchia để điều tra vụ án cướp xe và bán ma túy. Theo hồ sơ điều tra, vào ngày 25/6, công an có tiếp nhận trình báo của chị N.T.T. (43 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, Tây Ninh) về việc bị cướp xe trên đường đi đến khu vực ấp Tân Lâm (xã Tân Hà, huyện Tân Châu). Lần theo thông tin mà chị T. cung cấp, cơ quan CSĐT tiến hành điều tra truy bắt nhiều lần nhưng không thành công. Cho tới gần đây, cơ quan CSĐT mới phát hiện bắt quả tang Bôn Sô Lim (28 tuổi, ngụ tỉnh Konpongcham, Campuchia) đang bán trái phép chất ma túy cho hai con nghiện tại một quán cà phê thuộc xã Tân Đông (huyện Tân Châu).
 
Đối tượng Bôn Sô Lim tại cơ quan CSĐT.
Đối tượng Bôn Sô Lim tại cơ quan CSĐT.
 
Tại hiện trường, cơ quan CSĐT đã thu giữ 3 tép ma túy và nhiều vật dụng khác. Bôn Sô Lim khai nhận hành vi mua ma túy ở Campuchia đem sang Việt Nam bán kiếm lời. Trước khi đi, đối tượng này rủ Chhon Na đi cùng. Trên đường qua cửa khẩu biên giới, Bôn Sô Lim đưa hai bịch nilon chứa ma túy cho Chhon Na cất vào trong túi quần để tuồn vào Việt Nam nhưng Chhon Na không biết đó là ma túy. Khi Bôn Sô Lim đang giao hàng cho con nghiện tại quán cà phê thì bị bắt. Không chỉ vậy, Bôn Sô Lim cũng khai nhận mình từng tham gia vào vụ cướp xe của chị T. trong ngày 25/6 cùng hai đối tượng khác là ThNom và Skun (cùng ngụ tại Konpongcham) và bán được 100 USD.
 
Cũng theo tìm hiểu của PV, tại các tỉnh biên giới khác như Long An, Tây Ninh..., tội phạm người nước ngoài xuất hiện ngày càng phức tạp. Ông V.V.N. (47 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cho hay: "Vì một số huyện của Long An giáp với biên giới Campuchia nên tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Một số thanh niên Campuchia qua đây còn rủ rê thanh niên Việt đánh bạc, đá gà ăn tiền. Điều này đã khiến nhiều gia đình khuynh gia bại sản vì đốt tiền vào cờ bạc". Bà L.T.C. (ngụ tại huyện Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh) bức xúc, tại của khẩu Mộc Bài, nhiều đối tượng là tội phạm người nước ngoài tìm mọi cách vào Việt Nam để dụ dỗ quan hệ tình dục với các cô gái trẻ, rồi biến mất. Thậm chí, chúng "sẵn sàng" thực hiện ý đồ đồi bại ngay cả khi không được đồng ý.
 
Ông P.Q.V. (40 tuổi, ngụ tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: "Các đối tượng buôn bán ma túy, trộm cướp xuyên quốc gia là hiểm họa tội phạm đáng lo sợ nhất. Chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số thanh thiếu niên ở các tỉnh giáp biên giới để làm công cụ cho việc buôn bán trái pháp luật. Thời gian vừa qua, tại một số tỉnh phía Bắc xảy ra hàng loạt vụ buôn bán người cũng là do bị các đối tượng người nước ngoài dụ dỗ. Chúng lợi dụng nhu cầu kiếm tiền của người dân để thực hiện mưu mô buôn bán "hợp đồng người". Điều này không chỉ khiến cho tình hình an ninh trật tự ở các tỉnh giáp biên giới trở nên phức tạp mà còn khiến cho nhiều người dân vô tội phải nhận những án tù oan. Đây cũng chính là vấn đề nan giải đối với các cơ quan chức năng vì chúng "ngụy trang" quá khéo léo".
 
Núp bóng du khách
 
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, giám đốc công ty Luật giải phóng TP.HCM cho biết: "Khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh những mặt tích cực, sẽ kéo theo những hệ lụy, trong đó có những tệ nạn xã hội có liên quan đến người nước ngoài như cướp giật, lừa đảo, mại dâm, buôn bán ma túy qua biên giới. Với chủ trương cải thiện thủ tục hành chính, mở cửa cho người nước ngoài vào giao thương, du lịch, đối tượng tội phạm nước ngoài thường núp bóng dưới danh nghĩa khách du lịch, lợi dụng sự chủ quan,  hiếu khách của người dân Việt Nam (ít khi nghi ngờ người nước ngoài là tội phạm) để thực hiện hành vi phạm tội".
 
Nói về những khó khăn trong công tác quản lý, luật sư Hưng cho hay: "Hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy có liên quan đến người nước ngoài thường diễn ra dọc theo biên giới Việt Nam và Lào, Campuchia. Khó khăn lớn nhất của các cơ quan chức năng, cụ thể là lực lượng bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ kiểm soát biên giới là địa hình kiểm soát hẻo lánh, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt đi lại khó khăn. Không chỉ vậy, các đối tượng buôn bán ma túy lại tự trang bị vũ khí, sẵn sàng manh động chống trả cơ quan chức năng. Mặt khác, lãnh thổ Việt Nam gần "tam giác vàng" - khu vực sản xuất, buôn bán ma túy lớn trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, đây cũng là một lợi thế cho bọn tội phạm vận chuyển ma túy vào Việt Nam để buôn bán hoặc vận chuyển đến các nước khác trên thế giới”.
 
"Để hạn chế và triệt phá những đường dây tội phạm này, luật và quy chế kiểm soát nạn buôn bán ma túy qua biên giới vào Việt Nam đã được ban hành rất nghiêm khắc và chặt chẽ. Tuy nhiên, với những khó khăn nêu trên, lực lượng cơ quan chức năng hiện tại khó mà kiểm soát tuyệt đối tệ nạn này. Là một luật sư, bản thân tôi nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý của gia đình tội phạm ma túy là người nước ngoài, chủ yếu là người Campuchia. Trong đó, cũng có những gia đình là người Việt Nam sinh sống ở các xã giáp biên giới tham gia vào đường dây này, họ thường là những người không có trình độ văn hóa, thậm chí bị lôi kéo dụ dỗ tham gia", luật sư Hưng chia sẻ thêm.
 
Tiến sĩ Phạm Đức Trọng, nguyên Trưởng khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM chia sẻ: "Thực trạng tội phạm nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, công tác quản lý tại cửa khẩu biên giới của các cơ quan chức năng nước ta còn nhiều hạn chế. Đây chính là điều kiện cho nhiều đối tượng hoành hành hoạt động trái pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng địa phương. Đồng thời, hành động này cũng thể hiện, một số thanh niên nước ngoài quá coi thường pháp luật Việt Nam".                        
 
Cần vào cuộc xử lý mạnh mẽ
 
Trao đổi với PV về thực trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam, một đại diện cơ quan CSĐT công an tỉnh Tây Ninh cho biết: Việc bắt được các đối tượng buôn bán ma túy, cướp tài sản tại tỉnh Tây Ninh vừa qua cho thấy, tội phạm ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Đây mới chỉ là một trong những trường hợp rất ít bị bắt. Bởi thực tế, số lượng tội phạm nước ngoài ở Việt Nam còn rất nhiều nhưng vì việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn nên các đối tượng này vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng và lực lượng biên phòng bảo vệ biên giới cần vào cuộc, xử lý mạnh mẽ và triệt để hơn nữa nhằm bảo vệ sự bình yên cho người dân.

 

Theo Thơ Trịnh
Nguoiduatin.vn