Hứa với đối tác sẽ tạo điều kiện được ký hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng, Tâm “ngấm ngầm” yêu cầu ông giám đốc cắt lại tiền “bôi trơn” lên tới hơn 4,2 tỷ đồng.
 
Bị cáo Tâm che mặt, trốn ống kính.
Bị cáo Tâm che mặt, trốn ống kính.
 
Theo VKSND TC, ngày 29-11-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1621/QĐ-TTg thí điểm đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, trong đó giao cho Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Tổng Cty VIDIFI) là chủ dự án. Ngày 6-8-2009, Tổng Cty VIDIFI có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được chỉ định nhà thầu cung cấp vật liệu chính. Được sự đồng ý, ngày 27-11-2009, Tổng Cty thành lập Cty TNHH Vật liệu VIDIFI; sau chuyển đổi thành Cty CP Vật liệu và Đầu tư VIDIFI (M-VIDIFI).
 
Cty M-VIDIFI có 3 cổ đông sáng lập (Tổng Cty VIDIFI, Cty CP Tư vấn đầu tư Tràng Anh, Cty CP Phát triển khu công nghiệp số 1) và ông Nguyễn Đức Hanh là GĐ. Ngày 22-6-2010, Cty M-VIDIFI thay đổi đăng ký kinh doanh, giao Đinh Thị Tâm, SN 1974, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội, giữ 3.500.000 cổ phần thay ông Hanh và giữ chức Trưởng ban Quản lý các dự án Hà Nội - Phó Chủ tịch HĐQT M-VIDIFI.
 
Để xây dựng đơn giá vật liệu cung cấp cho nhà thầu thi công Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ngày 15-10-2009, Tổng Cty VIDIFI ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng. Ngoài ra, Tổng Cty còn ký hợp đồng với Tổng Cty Tư vấn xây dựng Việt Nam về việc thẩm tra kết quả xây dựng một số loại vật liệu đến chân công trình của Viện Kinh tế xây dựng. Từ kết quả xây dựng giá và công thức điều chỉnh giá một số loại vật liệu đến chân công trình của Viện Kinh tế xây dựng, Tổng Cty VIDIFI ký hợp đồng chỉ định Cty M-VIDIFI là đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo đó, ngày 18-8-2010, HĐQT của Tổng Cty VIDIFI ra nghị quyết phê duyệt đơn giá và công thức điều chỉnh giá một số loại vật liệu.
 
Qua ông Đỗ Ngọc Tuấn, GĐ Ban Tài chính, Tổng Cty VIDIFI, Cty CP Thương mại và vận tải Hồng Phúc (Cty Hồng Phúc), ông Mai Công Toàn là GĐ, đề nghị được cung cấp vật liệu cho gói thầu trên. Dựa vào nghị quyết của HĐQT Tổng Cty VIDIFI, đại diện Cty M-VIDIFI là ông Trần Cao Cường, PGĐ phụ trách, đã đàm phán với đại diện Cty Hồng Phúc. Vì hợp đồng này giá trị lớn, ông Nguyễn Minh Hùng, người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT Cty M-VIDIFI, đã phải phát phiếu xin ý kiến các cổ đông thông qua hợp đồng. Các cổ đông chấp thuận, ông Hùng thay mặt HĐQT ký nghị quyết thông qua nội dung hợp đồng.
 
Thực hiện hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng, từ tháng 9-2010 đến tháng 11-2011, Cty Hồng Phúc giao cho Cty M-VIDIFI cát thô, cát đen, đất… với tổng giá trị hơn 41 tỷ đồng.
 
Bất ngờ, ngày 16-12-2011, ông Toàn có đơn tố cáo Tâm ép ông phải đưa tiền “bôi trơn”.
 
CQĐT làm rõ, khi biết Cty M-VIDIFI được Tổng Cty chỉ định là đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Toàn đã gặp Tâm nhờ giúp đỡ để ký được hợp đồng cung cấp vật liệu. Ông Toàn đưa đơn giá vật liệu để Tâm tham khảo nhưng Tâm lại ra điều kiện, phía Cty Hồng Phúc phải chấp nhận đơn giá của Tâm. Tất nhiên, phần tiền chênh lệch, Tâm “phím” ông Toàn cắt lại cho mình. Ban đầu, Tâm thừa nhận đã cầm hơn 4,2 tỷ đồng từ ông Toàn. Nhưng rồi bị cáo thay đổi lời khai, cho rằng số tiền này, Cty Hồng Phúc trích lại cho Cty M-VIDIFI.
 
Xét giai đoạn điều tra, chồng Tâm đã thay vợ nộp lại 3,5 tỷ đồng; ngoài ra, số tiền 768 triệu đồng mà Tâm bị bắt quả tang khi nhận từ ông Toàn cũng bị thu hồi, HĐXX ngày 2-7-2013 của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Tâm 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
Ở vụ án này, ông Toàn có hành vi thông đồng, giúp sức để Tâm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chiếm đoạt hơn 4,26 tỷ đồng. Nhưng vì vị này chủ động vạch trần tội lỗi của Tâm nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Theo Đỗ Phương
Pháp luật & Xã hội