(BVPL) - TAND tỉnh Yên Bái vừa xét xử sơ thẩm vụ án “tham ô tài sản”, “cố ý làm trái…” xảy ra tại Cty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn. Sau khi toà tuyên án, giám đốc, chủ tịch CĐ Cty đã gửi đơn khẩn cấp tới Tổng LĐLĐVN và nhiều cơ quan khác cầu cứu, vì phán quyết của tòa đã xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước và gần 250 CBCNVLĐ Cty.
 
 Sản xuất sứ cách điện tại Cty CP sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
Sản xuất sứ cách điện tại Cty CP sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
 
Chi phối hoạt động của Cty
 
Sau gần 35 năm xây dựng và phát triển, năm 2004, Cty sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cổ phần hóa với cơ cấu vốn điều lệ nhà nước chiếm 56%, số còn lại thuộc về NLĐ trong Cty. Năm 2007, được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND tỉnh Yên Bái đã chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Cty về Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN (Vinashin) quản lý.
 
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến 2010, dù không được ông Nguyễn Tuấn Dương (đại diện phần vốn của Vinashin) ủy quyền, nhưng ông Nguyễn Khắc Sơn - GĐ Cty kiêm Chủ tịch HĐQT - đã điều chỉnh 4 lần tăng, giảm vốn điều lệ nhằm làm giảm vốn nhà nước xuống còn 13,9% để thâu tóm tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Không chỉ có vậy, ông Nguyễn Khắc Sơn và bà Nguyễn Thị Kim Hoa - kế toán trưởng - cùng những đối tượng khác lập 393 chứng từ thanh toán khống để bòn rút tiền của Nhà nước.
 
Theo bản án, từ 13.6.2007 đến 31.1.2011, Nguyễn Khắc Sơn, Nguyễn Thị Kim Hoa và các bị cáo khác đã lập khống 355 phiếu chi, 26 ủy nhiệm chi, 4 chứng từ công nợ và 8 chứng từ thanh toán khác, gây thiệt hại cho Cty CP sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn 16,4 tỉ đồng. Nguyễn Khắc Sơn và Nguyễn Thị Kim Hoa cũng tăng, giảm vốn điều lệ trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước và các cổ đông khác hơn 10 tỉ đồng.
 
Mục đích của ông Sơn, bà Hoa tăng, giảm tỉ lệ vốn của Nhà nước tại Cty là nhằm đưa người nhà vào mua cổ phần và chi phối hoạt động của Cty. Cụ thể, gia đình ông Nguyễn Khắc Sơn có 8 người nắm cổ phần. Tổng số tiền mà gia đình ông Sơn chiếm giữ  6,525 tỉ đồng/34 tỉ đồng vốn điều lệ Cty. Có 21 người trong gia đình bà Kim Hoa đứng tên cổ phần.
 
Năm 2007, chỉ một mình bà Hoa có cổ phần 177,7 triệu đồng, đến năm 2010 số tiền cổ phần của gia đình bà Hoa đã lên 17,159 tỉ. Việc thâu tóm Cty của những người này đã khiến NLĐ bức xúc bởi lẽ bản thân họ đã đóng góp cả đời cho Cty thì không được mua cổ phần nhưng chỉ bằng vài động tác tăng-giảm vốn, ông Sơn, bà Hoa đã nắm toàn bộ quyền chi phối hoạt động của Cty.
 
Công lý không đứng về phía NLĐ?
 
Với hành vi như trên, ông Nguyễn Khắc Sơn, bà Nguyễn Thị Kim Hoa và các bị cáo khác đã bị xử phạt về cả hai tội “tham ô” và “cố ý làm trái...” với mức án dành cho mỗi người gần 10 năm tù. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là dù đã tuyên các bị cáo phạm tội “cố ý làm trái...”, nhưng HĐXX lại tách phần thiệt hại do hành vi “làm trái” của các bị cáo Sơn, Hoa gây ra cho phần vốn nhà nước và các cổ đông để các bên tự giải quyết hoặc khởi kiện bằng một vụ án khác.
 
Đây là một việc làm bất thường, bởi lẽ HĐXX đã xác định hậu quả gây thiệt hại của các bị cáo gây ra cho Cty là hơn 10 tỉ đồng. Thiệt hại này cũng chính là tình tiết cấu thành tội phạm và tình tiết định khung để buộc tội các bị cáo.
 
Theo quy định tại Điều 28 BLTTHS thì “Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự”.
 
Tại công văn 121/2003/KHXX- ngày 19.9.2003 của TAND Tối cao hướng dẫn về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự cũng nêu rõ: “Phần dân sự trong vụ án hình sự phải được xem xét cùng phần hình sự trong cùng vụ án hình sự. Chỉ được tách để giải quyết phần hay một phần dân sự trong vụ án hình sự theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu nếu phần dân sự được tách không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm...”.
 
Tại bản án đã xác định phần thiệt hại về dân sự là yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng lại tách ra như vậy là vi phạm tố tụng. Điều này dẫn đến những quyết định sai của ông Sơn, bà Hoa không được hủy bỏ và khi đi tù, các bị cáo này vẫn có thể điều hành mọi hoạt động của Cty, bởi họ là những cổ đông nắm quyền chi phối hoạt động của Cty.
 
Gần 250 CBCNV Cty CP sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đang mong chờ một phán quyết đúng đắn từ một phiên tòa phúc thẩm tới đây.
 
Theo Chí Tùng
Báo Lao Động
.