Trong thời gian gần đây, nhu cầu cát san lấp mặt bằng trong xây dựng tăng cao dẫn đến hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông Tiền ngày càng gia tăng.

 


Ông Trần Văn Lan (78 tuổi, ấp Thới Thạnh) dẫn chúng tôi ra khu vườn cây ăn trái đang bị sạt lở nghiêm trọng. Nếu như diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây là 5.780 m2 thì trong đợt đo đạc gần đây nhất chỉ còn 3.510 m2 (đồng nghĩa với việc diện tích đất của ông đã bị sạt lở gần 2.269,5  m2).

Chỉ tay vào điểm lở sâu hoắm gần trụ điện cao thế (chỉ còn cách khoảng 30 - 40 m), ông chua xót: “Chỗ sạt lở này trước đây là bãi bồi, nông lắm chứ đâu sâu hoắm như bây giờ. Hiện nay, mỗi lần sóng đánh vào là gây lở từng mảng đất lớn. Trước đây, tôi cùng các hộ ở ven bờ đã làm kè để ngăn chặn sạt lở nhưng không có cách nào chịu nổi”.

Rồi ông bức xúc cho biết: “Ghe hút cát lậu bây giờ hoành hành dữ lắm. Trước đây nó hút ngoài xa, sau này chạy ghe hút gần sát bờ nên sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Khi phát hiện và bị đuổi, chúng không bỏ đi mà còn ngang nhiên thách thức”.

Ông Nguyễn Văn Cơ (Tổ 1, ấp Thới Thạnh) cũng bị mất hơn 1.000 m2 đất do sạt lở. Vì khu vườn nhãn của ông nằm dọc theo sông Tiền nên trước đây ông đã làm kè nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Ông ngán ngẩm: “Nếu không dẹp được mấy chiếc ghe hút cát lậu thì khu vực đuôi cù lao này trong vài năm tới có nguy cơ bị xóa sổ”.

“Cát tặc” hoành hành gây bức xúc

Ông Huỳnh Văn Tỷ, trưởng ấp Thới Thạnh, cho biết: Các phương tiện hút cát lậu hoạt động vào khoảng 1-2 giờ đêm, tập trung chủ yếu vào khu vực đuôi cù lao. Chúng ngang nhiên hút cát gần sát bờ nên gây hiện tượng sạt lở kéo dài trong mấy năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân ở khu vực này.

Người dân ở đây đã nhiều lần điện báo cho cơ quan chức năng như Phòng Cảnh sát Đường thủy, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nhưng khi lực lượng cơ động đến hiện trường thì chúng đã chạy mất. Chính vì vậy mà các ghe hút cát trái phép ngày càng hoành hành.

Được biết, để đối phó với các đối tượng hút cát trái phép, xã Thới Sơn cũng đã thành lập một tổ công tác gồm lực lượng CA xã, ấp và cán bộ ấp để phát hiện, bắt giữ rồi điện cho cơ quan chức năng đến xử lý. Tuy nhiên, tổ này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn (xử lý được 2-3 vụ vi phạm) rồi ngưng vì không có kinh phí.

Theo anh Lê Văn Vũ,  Công an xã Thới Sơn, phụ trách ấp Thới Thạnh, tổ công tác không duy trì được vì chi phí cho mỗi chuyến ra đuổi bắt rất cao so với kinh phí hạn hẹp của xã. Và cũng chính vì bức xúc trước tình trạng các đối tượng hút cát trái phép hoành hành nên cách đây 2 tháng đã có trường hợp 1 người dân đã dùng phương tiện tự chế bắn bị thương 1 đối tượng “cát tặc”.

Liên quan đến tình trạng hút cát trái phép trên địa bàn xã, gây bức xúc trong người dân, ông Bùi Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn trao đổi: “Tình trạng khai thác cát lậu gây sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn xã, đặc biệt là ở khu vực đầu và đuôi cù lao là nỗi bức xúc của người dân trong xã nhiều năm qua. Vấn đề này cũng đã được cử tri phản ánh rất nhiều trong những lần tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện và tỉnh.

Thời gian qua, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát hiện, đuổi bắt các phương tiện khai thác cát lậu nhưng do điều kiện trang thiết bị, kinh phí và nhân lực, cũng như chức năng xử lý hạn chế nên không xử lý được vấn đề này.

Mặt khác, chức năng của xã cũng chỉ là tạm giữ chứ không xử phạt được, vì vậy xã rất mong các ngành chức năng, trong đó có lực lượng Cảnh sát Đường thủy và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cần tăng cường tuần tra, xử lý các đối tượng khai thác cát lậu ở địa bàn xã nói riêng và trên sông Tiền nói chung”.

Trách nhiệm thuộc về ai ?

Liên quan đến công tác xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép, thượng tá Huỳnh Văn Thanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy (Công an Tiền Giang) cho biết: Trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động khai thác cát trên địa bàn tỉnh thuộc về ngành TN&MT, còn lực lượng Cảnh sát Đường thủy chỉ quản lý về trật tự an toàn giao thông đường thủy.

Tuy nhiên, thời gian qua lực lượng Cảnh sát Đường thủy đã phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát lậu; còn khi nhận được tin báo của quần chúng, lực lượng đã cơ động đến hiện trường nhưng vì đối tượng đã tìm cách đối phó nên khó bắt giữ, xử lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, đơn vị đã độc lập và phối hợp với Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 11, Thanh tra chuyên ngành Sở TN&MT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 29 tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Tiền.

Qua kiểm tra, phát hiện 10 trường hợp vi phạm. Nội vụ do Thanh tra Sở TN&MT lập biên bản, phạt tiền 105.350.000 đồng. “Cần tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát của các mỏ trên sông Tiền, đặc biệt đối với các mỏ có khả năng ảnh hưởng đến dòng chảy nên thu hồi giấy phép” - ông Thanh kiến nghị.

Được biết, theo đánh giá của một số ngành chức năng, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Tiền thời gian qua đã làm thay đổi dòng chảy. Trong các văn bản của Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 11 gởi Cục Ðường sông Việt Nam trước đây đã có khẳng định tình trạng khai thác cát tràn lan trên khu vực ngã ba sông Tiền, sông Cổ Chiên, hạ lưu cầu Mỹ Thuận gây cản trở nghiêm trọng đến luồng tàu chạy.

Tình trạng luồng chạy tàu rộng 200 m (tính từ tim luồng ra mỗi bên 100 m) nhưng thường xuyên bị các ghe, xáng cạp giăng hàng ngang hút cát, lấn chiếm luồng, bất chấp các quy định về  an toàn giao thông đường thủy. Ðiều này dẫn đến nguy cơ nhiều tàu bị mắc cạn hoặc xảy ra tai nạn rất cao.

Do đó, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết dứt điểm vấn đề khai thác cát trái phép, cũng như quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Tiền nhằm bảo đảm không làm thay đổi dòng chảy, gây ảnh hưởng sạt lở ven bờ sông Tiền.

 

Theo Báo Ấp Bắc

.