Để có nguồn hàng giá rẻ, nữ doanh nhân móc nối với nhiều cán bộ, nhân viên hải quan cửa khẩu sân bay nhập lậu trót lọt hơn 6 tấn yến sào vào thị trường Việt Nam.
 


Theo cáo trạng, năm 2008, Võ Ngọc Phượng buôn bán nhỏ lẻ mặt hàng yến nuôi trong nước tại chợ Bình Tây, TP.HCM. Năm 2010, Phượng đăng ký hộ kinh doanh Yến Sào Phúc Thịnh tại 68 Tháp Mười, phường 2, quận 6, TP.HCM. Cũng trong năm này, Phượng bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 4 năm tù về tội “buôn lậu”.

Trong thời gian xin hoãn thi hành án, Phượng tiếp tục điều hành hộ kinh doanh Phúc Thịnh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh yến sào.

Ngoài nguồn tổ yến mua từ thị trường trong nước, Phượng tiến hành thu mua số lượng yến đặc biệt lớn từ một số cá nhân ở Malaysia, Indonesia mà bị cáo quen biết trước đó.

Mỗi khi có hàng, Phượng cử Lữ Chí Hào cùng một số người làm thuê sang Malaysia và Indonexia xách từ 1 đến 2 valy yến về nước. Mỗi valy thường chứa từ 15 đến 20kg yến nguyên liệu. Toàn bộ chi phí hành trình bay, ăn ở, đi lại của nhân viên đều do Phượng đứng ra chi trả. Với thủ đoạn trên, từ 20/5/2011 đến 19/12/2012, Phượng đã nhập vào Việt Nam tổng cộng hơn 6,1 tấn yến nguyên liệu, trị giá hơn 62 tỷ đồng nhưng không khai báo hải quan.

Trong đó, Phượng đã nhờ Nguyễn Trung Công tác động đến cán bộ hải quan sân bay Nội Bài giúp nhập lậu trót lọt 90kg yến sào trị giá 450 triệu đồng, hưởng lợi gần 70 triệu đồng. Ngoài nhờ vả Công, nữ thương nhân buôn yến cũng móc nối với các cán bộ hải quan gồm Hưng và Đức. Mỗi khi có hàng về, Phượng báo để Hưng và Đức “tạo điều kiện” nhập trót lọt hơn 3,7 tấn yến sào. Hưng hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng, Đức hưởng lợi hơn 700 triệu đồng.

Theo lời Phượng và Hào khai nhận thì ngoài hai cán bộ hải quan trên, Phượng cũng móc nối với nhiều viên chức hải quan khác để nhập lậu hàng. Tuy nhiên, kết quả điều tra không thu thập được chứng cứ chứng minh việc bàn bạc, nhận tiền giữa Phượng và các cá nhân trên nên cơ quan điều tra không đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
 

Theo Vietnamnet

.