Tại tòa, các đối tượng khai nhận trước khi hành nghề “cát tặc” họ là những người bắt chài lưới, bắt tôm cá trên sông. Nhưng do nhu cầu xây dựng nên các đối tượng nhanh chóng trở thành “cát tặc” và một thời hoạt động ngang dọc trên sông Hồng.

 


Ngày 21/10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1975, trú ở thôn Tứ Dương, xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội) cùng đồng phạm là Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1977, trú ở thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

Liên quan đến vụ án còn có 10 bị khác gồm: Lê Văn Hưng (SN 1986, ở huyện An Lão, Hải Phòng0; Đào Thị Tuyên (SN 1975), Cao Thị Quỳnh (SN 1993), Đoàn Thị Quyên (SN 1981), Vũ Xuân Sinh (SN 1979), Vũ Xuân Khanh (SN 1968), Đào Thị Huế (SN 1993), cùng trú tại TP Hải Dương, Hải Dương và Hồ Văn Toán (SN 1965, trú tại Thường Tín, Hà Nội).

Tại tòa, ngoài Yến và Huyền làm nghề kinh doanh vật liệu xây dựng còn lại các bị cáo đều là những người sống bằng nghề chài, lưới bắt cá bắt tôm trên sông nên nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế.

Theo tài liệu cơ quan điều tra, vào rạng sáng 5/1, tại đoạn sông Hồng, (xã Thống Nhất và xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội), lực lượng công an bắt quả tang 10 tàu thủy có trọng tải từ 30 tấn đến gần 200 tấn đã và đang ra sức “hút máu” lòng sông Hồng.

Cơ quan điều tra làm rõ, từ tháng 3/2012 – 1/2014, chủ tàu Lê Văn Hưng đã hút tổng cộng hơn 21.500m3 cát bán cho Nguyễn Thị Hải Yến. Trong khoảng thời này, chủ tàu Hồ Văn Toàn đã dùng máy móc phương tiện hút hơn 9.700m3 cát để bán cho Yến. Tương tự, chủ tàu Đào Thị Tuyên đã hút gần 13.000m3 cát dưới lòng sông bán cho hai Huyền và Yến.

Từ đầu năm 2013 – 1/2014, chủ tàu Đào Thị Huế và Đoàn Thị Quyên đã khai thác hơn 14.400m3 cát để bán cho Nguyễn Thị Thanh Huyền. Cơ quan điều tra xác định chỉ trong vòng gần 2 năm, 10 chủ tàu nêu trên đã “rút ruột” gần 102.000m3 cát sông Hồng để bán cho Yến và Huyền thu lời bất chính hàng tỷ đồng.

Các bị cáo thừa nhận, trừ những ngày tàu thuyền, máy móc bị hỏng hóc hoặc thời tiết quá xấu, còn lại gần như ngày nào họ cũng khai thác cát bán cho Yến và Huyền. Thu được lợi nhuận bất chính, đội quân “cát tặc” này không ngừng mua sắm máy hút cát công suất lớn và tàu có quy mô hơn. Trong đó, tùy theo từng trọng tải nhất định, mỗi tàu hút cát trái phép được trang bị từ 2 đến 4 đầu máy nổ loại HP hoặc IF, kèm theo 2 ống cao su cỡ lớn để thọc sâu xuống lòng sông.

Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Hải Yến là người giữ vai trò chính trong nhóm “cát tặc”, từ đầu năm 2012, Yến bắt đầu buôn bán vật liệu xây dựng, nhưng chỉ tập trung vào kinh doanh cát trái phép. Bị cáo này có bãi tập kết cát rộng hàng trăm mét vuông thuê lại của 2 công ty tại địa phương ở chân bờ đê sông Hồng, thuộc xã Vạn Điểm.

Trình bày tại Tòa, Yến cho biết, các chủ tàu vốn chỉ là những người sống bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá và vận tải trên sông. Do nhu cầu xây dựng ngày càng cao nên mọi người chuyển sang hành nghề “cát tặc” để bán. Biết các chủ tàu ít vốn, Yến chủ động ứng tiền trước để họ mua dầu, sửa chữa tàu thuyền, máy móc và trang trải cuộc sống gia đình. Đổi lại, các chủ tàu hàng này phải tự giác bán toàn bộ số cát khai thác được cho chị Yến. Yến cũng cam kết sẽ để các chủ tàu neo đậu phương tiện ở ngay “cảng” của mình, nhưng hàng tháng phải nộp “tiền luật”.

Theo giải thích của Yến, “tiền luật” thực chất là tiền công trông nom, bảo vệ tàu thuyền và tiền điện thắp sáng. Cuối tháng, Yến sẽ tổng cộng tất cả các khoản tiền mà chủ tàu tạm ứng và “tiền luật”, rồi cân đối với giá trị lượng cát được ghi trong sổ sách đối với từng tàu cụ thể.
 
Với một số trường hợp bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính về hành vi khai thác tài nguyên trái phép, đối tượng luôn sẵn sàng xuất tiền để họ nộp phạt. Chính vì thế, bãi cát của Yến ngày một phình to hơn cho đến ngày bị cơ quan chức năng triệt phá.

Tương tự Yến, Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nhanh chóng thuê lại 9.000m2 đất trống ven sông của một doanh nghiệp để tổ chức hoạt động hút cát trái phép. Đối tượng cũng đã lôi kéo được 5 chủ tàu.

Tại phiên tòa, đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định Nguyễn Thị Hải Yến cùng đồng bọn mặc dù không có chức năng, không được cấp phép khai thác cát trên sông Hồng, nhưng vẫn tự ý tổ chức khai thác tài nguyên. Hành vi của các bị cáo không chỉ làm thiệt hại tài sản của Nhà nước mà còn gây xói lở và nguy hiểm tới hệ thống đê điều, đe dọa đời sống dân sinh, vì thế cần phải áp dụng những hình phạt tương thích.
 
Từ đó đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt Nguyễn Thị Hải Yến từ 20- 24 tháng tù, Nguyễn Thị Thanh Huyền từ 16-18 tháng tù giam cùng về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Các bị cáo còn lại lần lượt bị đề nghị xử phạt từ 6 - 9 tháng tù cho hưởng án treo đến 12 - 15 tháng tù giam.

Ngày 22/10, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội sẽ xem xét và tuyên phạt các bị cáo.
 

Theo Dân trí

.