Dù chỉ làm công việc nội trợ nhưng từ tháng 4/2012 đến tháng 3/2013, Đào Thị Hồng Nhân (SN 1964, trú 87 Lê Trung Kiên, phường 2, TP Tuy Hòa) tự xưng với nhiều người mình đang làm việc tại UBND tỉnh, có “quan hệ thân thiết” với một số lãnh đạo các sở, ngành, ai có con em muốn đi làm thì chi tiền “để tôi chạy cho”!
Bỗng dưng thành... "cán bộ"
Khoảng đầu tháng 4/2012, trong lúc ngồi uống cà phê ở quán Nhạc Xưa (thuộc khu sinh thái Thuận Thảo), Đào Thị Hồng Nhân làm quen với anh Nguyễn Hữu Sao trú thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, Đông Hòa). Tại đây, Nhân cho Sao biết là mình đang làm việc tại UBND tỉnh, có “quan hệ thân thiết” với một số lãnh đạo sở, ngành, ai có con em muốn đi làm thì chi tiền để Nhân lo lót và nhờ Sao giới thiệu những người cần việc làm.
Tin lời Nhân, trong tháng 7 và tháng 8/2012, anh Sao đã giới thiệu chị Nguyễn Thị My ở thôn Đa Ngư (xã Hòa Hiệp Nam), chị Nguyễn Thị Lệ ở thôn Phú Lạc và anh Phan Thành ở thôn Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa) đến gặp Nhân để nhờ xin việc. Tại nhà Nhân ở 87 Lê Trung Kiên, chị My đưa 40 triệu đồng để xin làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư - Phát triển chi nhánh Phú Yên, chị Lệ đưa 40 triệu đồng để xin việc cho con là Bùi Thị Lệ Phương vào làm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu chi nhánh Phú Yên, anh Thành đưa 70 triệu đồng để xin việc cho con là Phạm Thông vào dạy tại Trường THPT Lê Trung Kiên. Sau khi nhận được tiền, Nhân “lại quả” cho anh Sao 10 triệu đồng (anh Sao đã trả lại cho chị Lệ - PV) và còn huênh hoang sẽ lo cho Sao lấy được giấy phép lái xe hạng B2 để chiếm đoạt của anh 5 triệu đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, đầu tháng 6/2012, Nhân chủ động làm quen với anh Trần Kỳ An, trú thôn Phú Mỹ (xã An Dân, Tuy An) là nhân viên Bảo hiểm nhân thọ Dai-Ichi Phú Yên. Sau khi uống mấy “chầu” cà phê, Nhân nhờ An giới thiệu những người cần việc làm và chi tiền để Nhân “chạy”. Do cần việc và tin lời Nhân, tháng 7/2013, anh An giới thiệu chị Trần Thị Quanh ở thôn Giai Sơn, xã An Mỹ (Tuy An); chị Trần Thị Mỹ Duyên ở thôn Tân Hòa (xã An Hòa, Tuy An) đến gặp Nhân. Sau khi gặp, chị Quanh đưa cho Nhân 30 triệu đồng để xin việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương chi nhánh Phú Yên, chị Duyên đưa 30 triệu đồng xin vào dạy ở Trường THPT Lê Thành Phương (Tuy An).
Cũng kiểu làm quen và tự xưng là đang làm việc tại UBND tỉnh, có “quan hệ thân thiết” với một số lãnh đạo các sở, ngành nên đầu tháng 11/2012, tại quán cà phê Nhạc Xưa, Nhân nói với chị Nguyễn Thị Minh Tâm ở khu phố Ninh Tịnh 2 (phường 9, TP Tuy Hòa) cứ trực tiếp nhận hồ sơ và tiền rồi đưa lại, chứ không cần gặp Nhân. Chị Tâm tin tưởng nên đã nhận của chị Nguyễn Thị Út Diệu ở phường 9 số tiền 30 triệu đồng xin việc tại Trung tâm Xúc tiến du lịch Phú Yên; nhận của chị Nguyễn Thị Hồng Yến ở phường 2 số tiền 25 triệu đồng và của chị Lê Hồ Hàn Nguyên ở phường 7 (TP Tuy Hòa) 35 triệu đồng xin việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư - Phát triển chi nhánh Phú Yên. Sau khi nhận tiền giao cho Nhân, chị Tâm được “lại quả” 10 triệu đồng (Sau khi sự việc bại lộ và Nhân bị bắt giam, chị Tâm đã nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh - PV).
Chưa dừng lại ở đó, Nhân “đồn thổi” anh Phạm Thành xin được việc làm cho con nên đầu tháng 9 và 10/2013, anh Nguyễn Văn Viên ở thôn Phước Lộc (xã Hòa Thành, Đông Hòa); chị Nguyễn Thị Thu Nga, Nguyễn Thị Tố Nữ ở Thạch Chẩm (xã Hòa Xuân Tây, Đông Hòa) đến nói với anh Thành chỉ đường đến gặp Nhân để xin việc. Sau khi gặp mặt, Nhân đã nhận của anh Viên 50 triệu đồng nhờ xin việc cho vợ, nhận của chị Nga 70 triệu đồng và nhận của chị Nữ 70 triệu đồng nhờ xin việc cho con vào dạy ở Trường THPT Lê Trung Kiên.
Tiếp tục chiêu lừa, ngày 15/3/2013, Nhân đến xã Hòa Phú (Tây Hòa) đặt vấn đề với bác họ là ông Đào Tấn Tịnh nói con cháu trong họ tộc ai cần xin việc làm thì chuẩn bị hồ sơ và tiền để Nhân lo cho. Trong các ngày 19/3 và 22/3/2013, ông Tịnh dẫn cháu là Đào Tấn Nghĩa ở xã Hòa Phú và Trần Văn Hội ở thôn Phú Sen (xã Hòa Định Tây, Phú Hòa) đến nhà Nhân nhờ xin việc làm. Tại nhà Nhân, anh Nghĩa giao 20 triệu đồng để Nhân xin việc ở Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Hòa; anh Hội giao 20 triệu đồng xin việc ở Sở Xây dựng.
Sau khi nhận tiền của các cá nhân vừa nêu với tổng số tiền 535 triệu đồng, Nhân vứt hồ sơ, còn tiền thì bỏ túi tiêu xài. Hành vi lừa đảo của Nhân bị phát hiện và tố giác. Ngày 3/4/2013, Nhân bị bắt tạm giam. Ngày 21/1/2014, Viện KSND tỉnh ra cáo trạng truy tố Nhân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 26/2 vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo xin việc
Tại phiên xử sơ thẩm, phần xét hỏi diễn ra chóng vánh, bị cáo thành khẩn nhận tội, chỉ tha thiết xin tòa xem xét, giảm hình phạt cho mình vì mới ly dị chồng và hai đứa con thơ rất cần sự chăm sóc của mẹ. Trong khi đó, ngồi dưới hàng ghế dự khán tại phòng xử phiên sơ thẩm là các bị hại vừa bị lừa tiền, động lòng trước hoàn cảnh của Nhân nên xin hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo để có cơ hội sửa sai và chuộc lại lỗi lầm của mình.
Trong phần xét hỏi và tranh luận, bị cáo Nhân tha thiết và khẩn khoản thừa nhận: “Bị cáo đã sai. Bị cáo vô cùng ân hận và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nên xin hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo. Vì bị cáo có hoàn cảnh khó khăn”.
Đại diện hội đồng xét xử sơ thẩm cắt lời bị cáo Nhân: “Ai cũng khó khăn, nhưng đâu phải ai khó khăn cũng đi lừa đảo rồi phạm tội như bị cáo? Như vậy có đáng không? Bị cáo đi lừa bạn bè và ngay cả trong dòng họ và người thân mà cũng không tha. Tất cả họ là nông dân, vì muốn xin việc làm cho mình và con em mà chạy vay tiền để đưa cho bị cáo, rồi bị cáo tiêu xài và “giấc mơ” đi làm của họ tan tành, bị cáo nghĩ sao về hành vi của mình?... Sau những câu nói của các thành viên hội đồng xét xử, bị cáo bặm môi và cúi gằm mặt, nước mắt trào ra.
Sau khi nghe kiểm sát viên Lê Văn Đẳng (Viện KSND tỉnh) thực hành quyền công tố tại tòa đề nghị mức án 12 đến 13 năm tù về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cáo trạng đã truy tố, gương mặt bị cáo biến sắc. Phía sau bị cáo là những người bị hại, họ là những nông dân lam lũ, vì quá cả tin vào bị cáo mà phải gánh chịu cảnh “tiền mất tật mang” với hơn nửa tỉ đồng mà bị cáo đã lừa gạt của họ để tiêu xài cá nhân. Khi bị cáo vào tù, trách nhiệm đền bù và trả lại tiền mà họ đã trót đưa cho bị cáo không biết đến khi nào mới khắc phục được?
14 giờ chiều 26/2, hội đồng xét xử tuyên án. Nhận định hành vi, tính chất của bị cáo là nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là khiến quần chúng nhân dân hiểu sai về chính sách tuyển dụng vào làm việc của Đảng và Nhà nước, kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, tuyên buộc bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền chiếm đoạt của các bị hại.
Lời chủ tọa vừa dứt, bị cáo lướt mắt về phía những người bị hại để tìm kiếm sự lượng thứ và muốn nói lời xin lỗi. Tuy nhiên, tất cả họ đều quay mặt nên bị cáo bước nhanh khỏi vành móng ngựa, xuống dưới sân tòa, nơi có chiếc xe bịt bùng đang chờ sẵn để về lại nơi tạm giam. Với bị cáo, bản án lương tâm không còn gì để có thể cứu vãn nổi. Còn đối với nhiều người, bài học cảnh giác và thật tỉnh táo trước lời lẽ “mật ngọt chết ruồi” của những kẻ lừa đảo không bao giờ là quá cũ…
Theo Báo Phú Yên