Cơ quan hộ tịch sẽ xác nhận việc thuận tình ly hôn
Gửi văn bản đến Bộ Tư pháp góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) năm 2000, UBND TP.HCM đề nghị “nên ban hành Luật HNGĐ mới”. Nguyên do: Trong dự thảo có đến hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung trong tổng số 110 điều của Luật HNGĐ năm 2000. Mặt khác, nhiều nội dung cơ bản quy định trong Luật HNGĐ năm 2000 được đưa ra để sửa đổi.
Về độ tuổi được quyền kết hôn, UBND TP cho rằng nên quy định “Nam, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Quy định độ tuổi như trên sẽ đảm bảo cá nhân khi kết hôn là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và không bị hạn chế trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quy định tại Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, đời sống ngày càng được nâng cao kéo theo sự phát triển về thể chất và nhận thức xã hội nên việc quy định độ tuổi kết hôn như nêu trên là phù hợp, thể hiện quyền bình đẳng giữa nam, nữ trong việc kết hôn.
Liên quan đến người được nhờ mang thai hộ, UBND TP đề nghị cân nhắc việc quy định cho phép mang thai hộ “do mâu thuẫn về đạo đức vì chưa có đánh giá tác động đầy đủ đối với vấn đề này”. Trường hợp có quy định thì nên mở rộng đối tượng được mang thai hộ, không nên bó hẹp trong phạm vi chỉ những người thân thích của vợ chồng nhờ mang thai hộ mới được mang thai hộ. Cụ thể, UBND TP đề nghị cần quy định điều kiện này như sau: “Người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp không có người thân thích hoặc có nhưng không ai đồng ý mang thai hộ thì vợ chồng có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ”.
UBND TP cũng thống nhất với quy định vợ chồng hoặc vợ, chồng có quyền yêu cầu ly thân, áp dụng các quy định về giải quyết yêu cầu ly hôn từ khoản 2 Điều 85 đến Điều 91 của Luật HNGĐ để giải quyết yêu cầu ly thân.
Về thuận tình ly hôn, UBND TP thống nhất với phương án “Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác nhận việc thuận tình ly hôn trong trường hợp vợ chồng không có tranh chấp về con chung và tài sản chung…”. Theo UBND TP, quy định nêu trên tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng yêu cầu ly hôn của vợ chồng mà không có tranh chấp về con chung, tài sản chung do không phải trải qua trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
TM - TH
Sao lại cấm người mang thai hộ nhận thù lao?
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn thiếu các quy định bảo vệ quyền lợi cho người mang thai hộ. Mang thai và sinh một đứa bé vô cùng khó nhọc và cũng có nguy hiểm “đi biển một mình”, vậy sao không có quy định bồi dưỡng cho người mang thai hộ, dù là bà con thân thuộc chăng nữa? Thực tế đó là bù đắp tổn hại sức khỏe cho người mang thai hộ.
Rồi khi được người mang thai hộ đem đến niềm vui, gia đình người hiếm muộn muốn bày tỏ lòng biết ơn là bình thường và người mang thai hộ nhận tiền cũng rất chính đáng, sao lại cấm không được nhận thù lao?
GS-TS LÊ THỊ QUÝ,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển
|