(BVPL) - “Tôi không phải xin! Được giấy phép rồi thì phục vụ đâu là quyền của tôi. Bán qua Đồng Nai, tôi không phải xin phép vì không ai ngăn sông cấm chợ chuyện đó. Đã cấp giấy phép thì phải cho người ta kinh doanh chứ”, ông “Trùm” khai thác cát trên sông La Ngà - Bùi Quốc Đính, giám đốc công ty TNHH Hải Phi vừa tuyên bố như vậy với phóng viên báo BVPL.
 
Theo giám đốc Hải Phi, trong giấy phép mà UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác cát trên sông La Ngà có đoạn “khai thác phục vụ các công trình”. Vậy nên sau khi Hải Phi khai thác, cung cấp đủ cho các công trình của 3 xã Dakai, Nam Chính, Sùng Nhơn (huyện Đức Linh, Bình Thuận) còn dư thì bán ra ngoài. Mà việc mua bán hàng hóa bên ngoài đâu ai cấm. Doanh nghiệp cần phải khai thác đủ công suất để bán và đóng đủ thuế theo quy định.
 
Nằm bờ chờ cơ hội rút ruột sông La Ngà
Nằm bờ chờ cơ hội rút ruột sông La Ngà
 
Bên cạnh lời biện hộ cho hành vi khai thác vượt công suất cho phép, xe chở quá tải ung dung trên đường vẫn không bị xử phạt… giám đốc Hải Phi còn đề cập đến vấn đề quá cảnh mà dư luận lên tiếng trong thời gian qua. Đó là việc giấy phép khai thác cát được cấp ở Bình Thuận nhưng sau khi khai thác cát lại được tập kết ở Đồng Nai. Theo giám đốc Hải Phi, bãi bên Tân Phú (Đồng Nai) thật ra không phải là của Hải Phi mà là một chi nhánh của công ty, có giấy phép hoạt đồng, tài chính được hoạch toán kinh doanh độc lập. 
 
Khi được hỏi, cát bán đi xuất hóa đơn nào? Giám đốc Hải Phi cho biết chi nhánh này xuất hóa đơn, không dính gì đến Hải Phi hết. Mặc dù xe nào cũng được xuất hóa đơn! Nhưng khi đề cập đến trường hợp một hóa đơn dùng cho hai đến ba chuyến, thậm chí chạy từ sáng đến chiều vẫn chỉ một hóa đơn thì giám đốc Hải Phi tỏ ú ớ … “kiểm tra lại mới biết được”. Giám đốc Hải Phi lại biện minh, vì trong kinh doanh không thể nào hoàn hảo được, thế nên trong kinh doanh làm sao quản lý hết việc làm của anh em. Nên thực tế chắc chắn Hải Phi cũng có cái đúng cái sai, nhưng cái sai đó cũng có thể… được phép. 
 
Cát được bơm thẳng từ sông La Ngà lên bãi của Hải Phi bên Đồng Nai.
Cát được bơm thẳng từ sông La Ngà lên bãi của Hải Phi bên Đồng Nai.
 
Sai số 10 – 15% còn có thể chấp nhận được, nhưng sai đến 100% như Hải Phi thì được phép sao? Giám đốc Hải Phi cho biết, công ty chỉ khai thác tháng mưa, còn tháng nắng không làm được. Trong một năm, miễn sao Hải Phi vẫn đảm bảo khai thác 30 ngàn khối.
 
Mới đây, Hải Phi cũng có báo cáo gửi báo BVPL về loạt bài phản ánh việc kinh doanh khai thác cát trên sông La Ngà của Hải Phi. 
 
Trong báo cáo, Hải Phi cho biết giấy phép khai thác khoáng sả cất xây dựng được UBND tỉnh Bình Thuận cấp từ 1/2011 đến 1/2014 là hết hạn khai thác trên sông La Ngà thuộc xã Dakai, Nam Chính, Sùng Nhơn. Công suất cho phép là 30.000m3/năm. Hải Phi chưa gây ra sạt lở, các điểm sạt lỡ hiện nay đã có trước khi Hải Phi khai thác. Chưa có kiến nào của người dân phản ứng đến việc khai thác cũng như vận chuyển đi tiêu thụ. 
 
Báo cáo cũng thừa nhận hiện tại Hải Phi đang khai thác vượt công suất cho phép. Về bãi tập kết, theo giấy phép Hải Phi được tập kết hai bãi tại xã Đakai, nhưng tháng mưa không tiêu thụ được (mùa nắng thì không khai thác cát được – PV) nên hợp đồng bán với một đơn vị khác ở Đồng Nai. Đó không phải là bãi quá cảnh, cũng không phải là bãi của công ty. 
 
Trước đó, báo BVPL có bài phát hiện thêm một địa điểm khai thác cát liên tỉnh tại Đồng Nai, phản ánh “mánh” mới của các đối tượng khi sử dụng giấy phép kinh doanh để làm “bùa” hộ mệnh nhẳm qua mắt dư luận. Cụ thể là Công ty TNHH Hải Phi, trong một thời gian dài một mình một sân mặt sức tung hoành khai thác vượt công suất, giấy phép của Bình Thuận cấp để phục vụ cho các công trình ở 3 xã Dakai, Nam Chính, Sùng Nhơn. Nhưng bãi ở Đức Linh gần như không hoạt động, ngược lại bãi Tân Phú lại luôn trong tình trạng vượt mức cho phép, trong khi xe vào “ăn” cát liên tục. Từ những việc làm phi lý trên, dư luận mới đưa ra nhiều nghi vấn về sự tồn tại của “nhóm lợi ích” trong việc làm sai trái này của Hải Phi.
 
Công ty Hải Phi đã lợi dụng “tấm bùa hộ mệnh” là giấy pháp khai thác khoáng sản cát xây dựng để phá nát cả một đoạn sông. Cát được Hải Phi hút về bán, lòng sông mỗi ngày một rộng ra, sâu hơn và đất đai, vườn tược của những người dân sống 2 bên bờ thì mất đất từng ngày, từng giờ mà nay cũng chẳng biết bày tỏ cùng ai khi chính người đặt bít ký gấy cấp phép vẫn thờ ơ với trách nhiệm của mình….Hiện trạng này chắc ai cũng nhìn thấy.
 
Minh Hiếu