Có tới 55% doanh nghiệp bị phiền hà về thủ tục hành chính đất đa. Muốn có đất, ngoài thi sức chịu đựng để chờ đợi từ 1-5 năm thì chỉ có người giỏi "chạy" mới tiếp cận được....
 


“Nhưng để được cái giấy này lại phải mất thêm khá nhiều thời gian do Sở Kế hoạch đầu tư còn phải hỏi lại các Sở, ngành trước đó. Rồi để được Sở Quy hoạch kiến trúc cấp phép quy hoạch cũng lạo phải chờ để đơn vị này hỏi lại các Sở khác… quy trình cứ lặp đi lặp lại. Rồi còn nhiều giấy tờ khác như thẩm định quy hoạch, bản vẽ quyết định giao đất, cấp phép xây dựng… nếu ai làm nhanh nhất, dự án nhỏ, không phức tạp thì mất 1 năm, có dự án 3 năm, 5 năm, thậm chí lâu hơn cũng chưa xong nếu dự án phức tạp”, ông Hiệp than phiền.

Muốn nhanh phải biết “chạy”

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Tài nguyên Môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ 4 (sau Thuế, Quản lý thị trường và An toàn phòng chống cháy nổ) trong giai đoạn 2010 – 2013, nhưng lại chính là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện TTHC, đặc biệt là liên quan đến đất đai.

Ông Tuấn cho biết, có tới 55% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát do VCCI và USAID tiến hành cho hay họ từng gặp khó khăn khi thực hiện TTHC về đất đai trong năm 2013, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 trở lại đây.

Kết quả khảo sát chỉ số PCI năm 2013 cho thấy, tỷ lệ các DN từng gặp khó khăn trong việc thực hiện TTHC về đất đai đang có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2010, tỷ lệ các DN gặp khó khăn trong lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 36% thì đến năm 2013 con số này đã lên tới 55%.

“Theo đánh giá của cộng đồng DN, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường là phiền hà nhất so với các loại thủ tục hành chính khác. Trong đó, các DN cho rằng, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, thông tin quy hoạch chưa được công khai, thủ tục cấp phép các loại chứng nhận trong lĩnh vực còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần, tốn kém rất nhiều chi phí”, ông Tuấn nói.

Chưa hết, ông Tuấn còn chia sẻ: Cách đây hơn 1 năm, khi tiến hành nghiên cứu đánh giá về thủ tục đất đai đầu tư xây dựng, có DN cho biết, ở nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn nếu thời gian thực hiện xong vấn đề về đất đai từ khi xin chủ trương, GPMB, lập quy hoạch xong trong 3 năm là thành công lớn. Điều này cho thấy gánh nặng về TTHC, chỉ một thủ tục liên quan đến đất đai nhưng nhà đầu tư phải đi nhiều cửa, rồi phải đốc thúc từng Sở, ngành một để được đồng ý trong một quy trình đáng ra chỉ một cửa.

Nhà đầu tư không chỉ liên hệ với cơ quan cấp Sở, mà còn phải lên đến cơ quan cấp tỉnh, 1 số dự án còn liên quan đến cuộc họp tỉnh ủy, xuống cấp huyện xã, thôn xóm… cho thấy độ phức tạp, phối hợp liên ngành rất nhiều thủ tục.

“Vì thế, đối với nhà đầu tư không có am hiểu, không có quan hệ tốt, không có ảnh hưởng lớn thì rất khó khăn. Nếu thủ tục đất đai không được cải thiện thì chỉ những nhà đầu tư “chạy” giỏi mới tiếp cận được nguồn lực tốt, còn nhà đầu tư nào không biết “chạy” hoặc không muốn “chạy” thì rất khó tiếp cận”, ông Tuấn thẳng thắn.

Cần phối hợp liên ngành

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, TTHC trong lĩnh vực Tài nguyên, môi trường dù đã được cải cách nhưng còn nhiều hạn chế, vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân và DN.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, theo ông Hà là do cải cách TTH là việc khó và phải làm thường xuyên, lâu dài. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn hạn chế, cũng khiến cải cách TTHC chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Ông Đậu Anh Tuấn thì cho rằng, cần chú trọng công khai minh bạch những TTHC. Vấn đề đất đai không đứng riêng, nó liên quan đến vấn đề quy hoạch, về giấy phép xây dựng, thủ tục đầu tư nên cần chú trọng đến giải pháp liên ngành, nếu nhìn từng ngành có vẻ rất thông suốt nhưng để phù hợp giữa các ngành thì lại có vấn đề.

Thời gian qua, chính sách đất đai thay đổi quá nhanh nên có nhiều dự án làm chưa xong nhưng đã thay đổi mấy lần, gây khó khăn cho DN và các cấp địa phương trong quá trình thực hiện, nên chính sách đất đai cần có sự ổn định hơn.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đánh giá lĩnh vực đất đai cùng với các lĩnh vực khác như hải quan, thuế… là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, vì ở đâu có cơ chế xin-cho nhiều và ở đâu thủ tục phức tạp, ảnh hưởng của người ra quyết định rất lớn đối với việc thực hiện quyền của DN thì ở đó nguy cơ tham nhũng cao. Vì thế, minh bạch, công khai, đơn giản hóa thủ tục là cách thức để giảm thiểu tham nhũng và phiền hà.
 

Theo infonet

.