Từ một kẻ tay trắng, sau vài năm hanh thông con đường quan lộ, Bùi Mạnh Hùng (tên gọi khác Bùi Văn Phong, biệt danh Hùng “lừa”, SN 1957, quê xóm Bả, xã Định Quán, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã là Tổng giám Công ty Cổ phần Dịch vụ Vận tải Ô tô 6 (Đà Nẵng).
 


Hùng cho ban hành mẫu “Đơn xin nhận nhiệm vụ mới” rồi giao cho những người trên tự điền tên. Dù đã “đánh tiếng” trước như vậy nhưng cả bốn Phó tổng đều không thực hiện. Hùng tham mưu cho Chủ tịch HĐQT thời điểm đó ký ban hành các quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc cả bốn người, không đưa ra một lý do cụ thể.

Sau khi “thanh trừng nội bộ”, Hùng điều hành sản xuất, kinh doanh của Công ty theo hướng liên tục thua lỗ. Vị Tổng Giám đốc mở loạt chi nhánh ở các tỉnh thành. Đáng nói, những chi nhánh này không đem lại chút lợi nhuận nào, mà hàng tháng công ty phải chi trả cả trăm triệu đồng cho “các sếp” những nơi mà Hùng dựng lên để “ngồi chơi xơi nước”.

Công an Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của Tổng Công ty Ô tô Việt Nam, trong năm 2011, Công ty Vận tải ô tô 6 lỗ hơn 20 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm hiện nay tới 45,6 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến việc thua lỗ trên do đầu tư dàn trải, nhiều công trình không mang lại hiệu quả hoặc đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng công trình phải bỏ phí.

Ví dụ dự án Trung tâm đào tạo lái xe ô tô, mô tô Sông Tiền (Tiền Giang) đầu tư 20 tỷ đồng nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế, hàng tháng công ty phải trả hàng trăm triệu đồng tiền lãi cho ngân hàng; dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên chi nhánh phía Nam đã được sang nhượng một cách trái phép và không hạch toán đầy đủ, để một số cá nhân lợi dụng chiếm đoạt tài sản của  công ty; hoặc ông Hùng quyết định giao bốn xe của công ty cho một cá nhân sử dụng trái phép, không đúng nguyên tắc, điều lệ...

Đặc biệt, bản thân Tổng giám đốc Hùng chi tiêu hoang phí, có những hành vi sử dụng trái phép tài sản như lấy 48 triệu đồng của công ty trả tiền thuê nhà cho cá nhân; khi đi công tác yêu cầu hai lái xe tạm ứng tiền để mình chi phí cho chuyến đi nhưng không có hóa đơn chứng từ thanh toán.

Kết quả hai lái xe này vẫn còn nợ tạm ứng hơn 800 triệu đồng. Bản thân ông Hùng cũng tự tạm ứng tiền cơ quan để tiêu xài cá nhân và để lại khoản nợ gần 3 tỷ.

Còn có thể kể ra một số sai phạm khác như ông Hùng lấy uy thế của mình rồi thông báo “có dự án” đến những công ty ở một số tỉnh trên cả nước, soạn thảo hợp đồng, ký nhận tiền tạm ứng của các công ty để lo dự án. Sau khi chờ đợi mà không thấy dự án đâu, các công ty này mới gửi thông báo giấy nhận tiền, bản hợp đồng kinh tế được ông Hùng ký tên, đóng dấu đến.

Khi công ty biết, số tiền gần 2 tỷ đồng mà ông đã nhận của gần 10 công ty đã đút túi cá nhân ông. Bị đòi tiền, “sếp” Hùng liền cho cấp dưới lấy gần hai tỷ đồng của công ty ra trả.

Để vị thế mình tăng cao, được trọng vọng ngưỡng mộ, Hùng còn tự phong hàm Thượng tá cho bản thân rồi tham gia Hội cựu chiến binh và một số hoạt động khác với nguồn kinh phí bỏ ra cũng được lấy từ cơ quan.

Sau ba năm lũng đoạn (6/2008 - 11/2011), chuyện yếu kém về năng lực, sai phạm về tài chính... cũng đến lúc bị phơi bày. Ngày 24/11/2011, ông Hùng bị bãi nhiệm chức danh Tổng Giám đốc. Mất chức, thế nhưng ông Hùng vẫn “làm le”, viết đơn xin nghỉ việc không lương để về quê Hòa Bình dưỡng bệnh.

Ngày 26/12 vừa qua, tại Đà Nẵng, công an đã ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam bị can Bùi Mạnh Hùng về tội “Tham ô tài sản”.

Vụ việc tiếp tục được điều tra mở rộng.
 

Theo Pháp luật Việt Nam

.