Chúng tôi đã đến cảng cá Lạch Bạng vào thời điểm thủy triều đang cao, nhưng hàng trăm con tàu vẫn đang nằm bờ, cầu cảng không thấy bóng người qua lại để mua, bán hải sản như những năm trước. Chợ cảng và gần chục cơ sở thu mua hải sản ướp lạnh cũng đóng cửa….

leftcenterrightdel
Ông Lê Văn Tám trao đổi với báo chí. 

Ông Lê Văn Tám, chủ tàu TH 91366 - TS tâm sự: Từ năm 2015 ông đã sắm 3 tàu 1000CV để đánh bắt và làm dịch vụ hầu cần nghề biển. Từ năm 2020 trở lại đây, cát bồi lắng làm cạn luồng lạch. Việc cát bồi đã làm cho ngư dân nói chung, gia đình ông nói riêng khốn khổ. Mỗi khi tàu về vào cảng và khi tàu ra khơi thủy thủ phải chờ nhiều ngày liền, đến giờ triều cường mới dám vận hành. Mặc dù vậy, mỗi lượt tàu vào, ra cũng mất từ 10 đến 12h đồng hồ vì phải vật lộn với cát. Mấy năm trở lại đây, cát bồi lắng đã làm sóng đánh vỡ mạn tàu chỉ vì chờ nước lên vào bờ.

Về chi phí cho mỗi chuyến ra khơi, theo ông Tám: Mỗi tàu phải thuê từ 10 đến 15 ngư dân, do sản lượng đánh bắt không ổn định, vì vậy chủ tàu phải cho ngư dân  ứng tiền lương trước từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/ chuyến để  họ đưa cho vợ con. Bên cạnh đó, chủ tàu phải chuẩn bị từ 3.500 đến 4.000 cây đá (giá 2.000 đồng/cây đá) để ướp cá; chuẩn bị từ 3.500 đến 4000 lít dầu và thực phẩm, nước sinh hoạt…cho thủy thủ đủ dùng trong cả chuyến ra khơi, (tổng chi phí từ 120 đến 150 triệu/chuyến). Hiện nay, giá xăng dầu lại lên cao, sản lượng không ổn định, bên cạnh đó tàu vào, ra bến khó khăn, vì vậy nhiều tàu không ra khơi nữa.  

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết: Khó khăn nhất của địa phương hiện nay đó là, có 204 tàu có công suất từ 400CV đến 1000CV. Trong đó có 137 tàu đánh bắt hải sản và 67 tàu thu mua hải sản ngoài khơi. Mỗi tàu sử dụng tương ứng từ 10 đến 15 lao động chuyên làm việc ngoài biển. Theo đó, các tàu đã kéo theo hàng ngàn lao động “ăn theo” mất việc làm. Hiện tại, các tàu đánh bắt và thu mua hải sản chuyên nghiệp số lượt ra khơi chỉ bằng 1/3 các năm trước. Nguyên nhân chính, vẫn là cát biển bồi lắng cửa lạch làm tàu không thể vào, ra, năm nào cũng có tàu bị vỡ do nằm chờ vào cảng bị sóng xô. Bên cạnh đó, giá xăng dầu lên cao,.... việc tàu không ra khơi đã đồng nghĩa với hàng ngàn lao động làm việc trên biển và làm nghề hậu cần nghề biển mất công ăn việc làm. Nếu so sánh, thì năm 2021 thu nhập bình quân của nhân dân Hải Bình chỉ bằng 1/3 năm 2018 (theo báo cáo năm 2021 thu nhập bình quân chỉ đạt 1 đến 2 triệu đồng/người/tháng), mặc dù phường Hải Bình có trên ngàn lao động đang làm việc tại công ty giày da và chế biến hải sản trong khu vực có mức lương ổn định từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng. 

leftcenterrightdel
Chợ cảng cá không bóng người. 

Ngoài khó khăn nêu trên, từ cuối năm 2021 đến nay, gần chục phương tiện đánh bắt của 6 hộ gia đình đã bị ngân hàng tổ chức cưỡng chế vì vay vốn Chương trình đánh bắt xa khơi theo Nghị quyết 67/CP đã hết thời hạn nhưng vẫn chưa có tiền trả cho  dự án. 

Ông Đỗ Xuân Chung, Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: Hải Thanh có 340 tàu có công suất từ 150CV đến 1000CV, tương ứng với khoảng 5000 lao động ra khơi chuyên nghiệp. Mặc dù Hải Thanh chỉ có trên 18.000 nhân khẩu, nhưng Công an phường quản lý trên 20.000 nhân khẩu là người địa phương và lao động từ nơi khác về đây làm ăn. Thời gian gần đây ngư dân không mặn mà với biển nữa, nguyên nhân là do giá xăng dầu leo thang quá nhanh, nhiều tàu thu không đủ chi. Mỗi khi tàu cập bến thì hiểm nguy rình rập do cát làm cạn luồng lạch, giữa luồng lạch đang lại có dải đá ngầm, thủy thủ chỉ cần lơ là một chút là tàu có thể vỡ tan khi va vào dải đá này. 

leftcenterrightdel
 Công văn số 3566 của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ Giao thông vận tải. 

Ông Nguyễn văn Long, Giám đốc Công ty chế biến thủy sản Ngọc Sơn cho biết: Từ năm 2017 về trước, sau khi Nhà nước đầu tư cảng cá Lạch Bạng và âu thuyền trú bão, thì tàu thuyền ngư dân các tỉnh vào nhập cá và trú bão tại cảng Lạch Bạng rất nhiều. Theo đó, cá được nhập vào cảng khoảng 5000 tấn/ngày (150.000 tấn cá/tháng).

Số cá này được đưa về 3 nhà máy chế biến hải sản trên địa phận phường Hải Bình và các cơ sở ướp lạnh để vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong nước và sang nước bạn Lào. Khoảng 5 năm trở lại đây, tàu đánh bắt ngoài khơi của các tỉnh bạn cũng thưa dần và ít về Lạch Bạng. Họ sợ vỡ tàu, sợ vào nhưng không ra được, sợ mất rất nhiều thời gian và tốn kém xăng dầu vận hành khi rời bến, hải sản để lâu sẽ bị ươn, thối… Nếu so sánh với các năm, thì năm 2021, lượng thủy sản về Cảng Lạch Bạng chỉ bằng 20% các năm trước. Như vậy, Hải Thanh và Hải Bình đã mất đi nguồn thu cơ bản cho hàng ngàn lao động. 

leftcenterrightdel
Hàng trăm tàu không thể ra khơi tại Cảng cá Lạch Bạng.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Do cát bồi lắng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống mưu sinh của ngư dân phường Hải Thanh và Hải bình và nhân dân trong khu vực. Tháng 7/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 93 về chủ trương đầu tư Dự án nạo vét luồng tàu khu vực cảng cá và khu vực tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng. Việc này, UBND tỉnh giao cho Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa khảo sát, thiết kế.

Từ khi hoàn thành dự án xây dựng cảng cá Lạch Bạng năm 2001 đến nay cảng này chưa được nạo vét, vì vậy cát bồi lắng quá nhiều, cản trở tàu thuyền vào cảng cũng như ra khơi là đương nhiên. Nhằm xúc tiến công việc trước mùa bão, ngày 18/3/2022, UBND tỉnh đã có Công văn số 3566 gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị được chấp thuận đầu tư, nạo vét... Như vậy, dự án nạo vét cát luồng vào cảng cá Lạch Bạng và di chuyển dải đá ngầm phải thực hiện theo trình tự thủ tục quy định. Hy vọng, dự án sẽ được triển khai vào ngày sớm nhất, trước mùa bão năm 2022.

Phạm Ngọc