Thời gian qua, người dân cả nước liên tục "sốc" bởi những thông tin liên quan đến việc giáo viên bị phụ huynh tố bạo hành, bóc lột sức lao động trẻ em. Mới đây, clip hai học sinh mầm non ở Hà Nội phải còng lưng khiêng chiếc thùng đựng xoong nồi, bát đĩa từ tầng bốn xuống tầng một như "giọt nước tràn ly" khiến dư luận thêm phẫn nộ.
Cô giáo bị tố biến học sinh thành... "cửu vạn"
Vụ việc trên được hé lộ từ ngày 20/3/2013, khi trên mạng internet tràn lan clip hai học sinh năm tuổi đang gồng mình khiêng chiếc thùng lớn đi xuống cầu thang. Sau khi xác minh lại, người ta thấy rằng, đoạn video đó được quay ở một trường mầm non thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo một nguồn tin của Người Đưa Tin, đã từ lâu, một số học sinh lớp mẫu giáo lớn ở trường này phải thay giáo viên khiêng các loại thùng đựng cơm, canh và xoong thức ăn từ trên tầng bốn xuống tầng một sau mỗi bữa ăn.
Trao đổi với PV, phụ huynh của một trong hai cậu bé tội nghiệp trong clip bị hành hạ bức xúc: "Con tôi nói rằng, vì được cho là to lớn và nhanh nhẹn nhất lớp nên các cô ưu ái ủy nhiệm trọng trách khuân vác đồ. Trong khi các cháu khác ăn xong được ngủ thì hai đứa trẻ phải hoàn thành nhiệm vụ cô giáo giao mới được lên giường. Chúng tôi cho con đi học chứ không phải đi rèn luyện sức khỏe để sau này làm… “cửu vạn””. Nhiều người cho rằng, các thầy cô nên giao cho học sinh những công việc nhỏ để rèn luyện tính chăm chỉ, tự lập, tuy nhiên, không phải ép các cháu những công việc mà người lớn cũng phải nhăn mặt mỗi khi làm.
|
Trẻ nhỏ bị bắt bưng bê tại trường Lê Quý Đôn- Ảnh cắt ra từ clip |
Theo quan sát của PV, trong đoạn clip trên bất cứ ai cũng thấy rõ sự mệt mỏi và gắng sức của hai học sinh lớp 5 tuổi qua lời hội thoại mỗi khi nhấc chiếc thùng nặng trịch lên. Một cậu bé luôn miệng than thở với bạn rằng: "Nặng quá!". Để có thể đưa được chiếc thùng từ tầng bốn xuống, các em phải nghỉ rất nhiều lần. Ngay sau khi clip trên được đưa lên mạng đã gây nên một làn sóng bức xúc trên các diễn đàn.
Thông tin mới nhất về vụ việc trên, cô giáo Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Minh Phương, phụ trách lớp mẫu giáo có hai học sinh trong clip đã nhận khuyết điểm. Theo cô giáo Hồng, trước, sau giờ ăn trưa, cô có nhờ hai em nhỏ mang thùng cơm có trọng lượng 2kg từ tầng bốn xuống tầng một, mặc dù công việc này là của một nhân viên nhà trường. Trao đổi với báo giới, bà Phạm Thúy Khanh- Hiệu trưởng trường mầm non Lê Quý Đôn thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên của trường có lời xin lỗi phụ huynh nhà trường, đặc biệt là gia đình hai học sinh trong đoạn clip vì đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc trên. Được biết, hai cô giáo phụ trách lớp chỉ bị nhà trường kỷ luật ở mức khiển trách.
Cách đây không lâu, dư luận cả nước cũng từng rúng động bởi thông tin một giáo viên trường mầm non S.O.S (Mai Dịch, Hà Nội) bị "tố" đánh chấn động não học sinh vì em này lấy đồ chơi của bạn. Qua quá trình điều tra, các cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm rõ được thực hư sự việc trên nhưng nhiều người dân Hà Nội cảm thấy ái ngại về đạo đức của một bộ phận giáo viên này. Trước đó mấy ngày (29/10/2012), một giáo viên công tác tại trường mầm non Sao Mai (quận Ba Đình) cũng bị tố dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh. Khi trở về nhà, học sinh này đã đã kể lại sự việc rằng, do nghịch rèm cửa nên bị cô giáo chủ nhiệm phạt. Thấy tay con gái chi chít vết đâm, phụ huynh này liền viết đơn trình báo lên cơ quan công an và đưa con đi xét nghiệm HIV.
|
Luật sư Huy An |
Bắt bưng bê cũng là... "hành hạ" trẻ?!
Theo nhận định của các chuyên gia tâm lý, tình trạng bạo lực, xâm hại, ngược đãi, bóc lột sức lao động trẻ em đang có xu hướng nghiêm trọng, phức tạp và trở thành vấn đề xã hội cấp bách hơn bao giờ hết. Điều đáng nói là mối nguy hiểm rình rập trẻ em hiện nay không chỉ đến từ xã hội mà còn đến từ chính những người thân thiết, gần gũi của các em như: Bố mẹ, thầy cô giáo.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, hành hạ, ngược đãi trẻ là hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm vì đây là đối tượng có khả năng tự vệ kém, thậm chí là chưa thể tự vệ. Ngay cả việc bắt trẻ phải lao động vượt quá sức của mình chẳng khác nào "hành hạ" học sinh.
Trao đổi với PV, GS. Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay: "Số vụ bạo hành, ngược đãi học sinh ngày càng gia tăng, đặc biệt là hiện tượng giáo viên bạo hành trẻ mầm non khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ. Hành vi bạo hành trẻ là đi ngược đạo đức người thầy. Những người làm giáo dục mà lại có thể tàn nhẫn đánh một đứa trẻ hay vô tâm nhìn những cháu bé mới năm tuổi phải khiêng thùng đựng cơm to khệ nệ?".
Nhận định về nguyên nhân những vụ bạo hành trẻ diễn ra thời gian vừa qua, GS.Thuyết cho rằng, nhiều giáo viên đã biến chất, đạo đức nghề nghiệp đi xuống. Họ nóng giận, không kiểm soát được bản thân dẫn đến việc đánh đập trẻ. Và căn nguyên sâu xa chính là việc tuyển chọn giáo viên không khắt khe như trước, đặc biệt đối với giáo viên mầm non hay nhóm trông giữ trẻ. "Theo quan điểm của tôi, đội ngũ giáo viên cần được bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, cần tuyển chọn và sàng lọc kỹ. Người làm trong ngành giáo dục phải có tâm với nghề, lòng yêu thương đối với trẻ. Điều quan trọng là cần phải xử lý thật nghiêm những trường hợp giáo viên bạo hành, ngược đãi trẻ mầm non dựa vào mức độ vi phạm và tốt nhất là cho họ chuyển ngành", GS. Thuyết nói.
Cô giáo có thể bị truy tố về tội "Hành hạ người khác"
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) khẳng định: "Trường hợp cô giáo đánh chấn động não và dùng vật nhọn đâm vào tay học sinh có thể truy cứu về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 104 của Bộ luật Hình sự. Còn đối với vụ việc cô giáo ép học sinh khiêng vật dụng nặng từ tầng bốn xuống tầng một có thể truy cứu về tội "Hành hạ người khác" (Điều 110 Bộ luật Hình sự). Tình tiết tăng nặng của cả ba vụ trên đó là việc họ có hành vi phạm tội với người đang phụ thuộc vào mình (học sinh- giáo viên). Tuy nhiên, nghiêm trọng và đau đớn hơn, các giáo viên đã vi phạm tình người, vi phạm đạo đức nghề nghiệp".
|
Theo Nguoiduatin.vn