“Cò” bệnh viện hoành hành ngang ngược nhiều năm nay, nhưng chế tài xử lý chỉ là vi phạm hành chính nên các đối tượng đã “nhờn thuốc”. Tạm giữ - xử lý - thả ra, điệp khúc này đã không ngăn được nạn “cò” ngày càng lộng hành, làm cho người bệnh điêu đứng.
“Cò” móc nối với phòng khám?
“Cò” bệnh viện từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người bệnh khi bị những đối tượng này lôi kéo và “lừa” đưa vào phòng khám tư chứ không phải vào bệnh viện khám như lời quảng cáo.
Theo ông Nguyễn Tôn Đạo, Trưởng phòng Bảo vệ ANTT Bệnh viện Bạch Mai thì cổng Bệnh viện Bạch Mai (đường Giải Phóng) thường có một nhóm khoảng 7 đối tượng “cò” hoạt động. “Cò” có cả nam và nữ, thậm chí có người làm xe ôm nhưng kiêm luôn nhiệm vụ “cò”. “Cò” đưa người bệnh vào một số phòng khám bên kia đường Giải Phóng để khám, khi một số xét nghiệm ở phòng khám không làm được thì “cò” lại dẫn người bệnh sang bệnh viện để làm.
Cũng theo ông Đạo thì qua phản ánh của một số người bệnh, có những loại xét nghiệm giá trong bệnh viện chỉ 1,5 triệu đồng, nhưng khi bị “cò” dẫn sang phòng khám ngoài giá đội lên 3 triệu. Không chỉ “cò” đưa người bệnh vào phòng khám tư nhân mà vài năm trước, có đối tượng “cò” còn vào trong Bệnh viện Bạch Mai lừa đảo bệnh nhân mua thuốc chữa ung thư, hoặc trà trộn làm nhân viên y tế lừa mua thuốc hộ cho người bệnh rồi cầm tiền “chuồn” mất.
|
“Cò” trước cổng Bệnh viện K dẫn người bệnh đi khám (ảnh chụp sáng 29-5). |
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có sự móc nối giữa “cò” với phòng khám tư nhân hay không?
Bà Trịnh Thị Hồng Lý, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định: “Cò” không vào được Bệnh viện Mắt Trung ương do cả 4 cổng của bệnh viện đã bố trí lực lượng bảo vệ, nếu phát hiện “cò” dẫn người vào bệnh viện khám bảo vệ sẽ ngăn chặn ngay. Kể cả “cò” có nói mình vào khám bệnh thì bệnh viện cũng đã quán triệt nhân viên bảo vệ phải đi theo xem có đúng là họ đi khám bệnh hay không. Các vụ việc phối hợp với Công an chủ yếu phát hiện “cò” dẫn người bệnh ra phòng khám tư nhân.
Khó giải quyết triệt để được “cò” bệnh viện
“Cò” bệnh viện đã trở thành vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm nay ở Hà Nội, đặc biệt là ở các bệnh viện lớn, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Tuy nhiều năm nay các bệnh viện phối hợp với lực lượng Công an trong việc xử lý “cò” nhưng hiện tượng này vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn nổi lên nhiều, gây ám ảnh, phẫn nộ cho người bệnh, làm xấu hình ảnh văn minh của Thủ đô.
“Cò” nhào đến trước cổng bệnh viện lôi kéo người bệnh với chiêu bài: “khám nhanh”, “khám Giáo sư”, “khám trưởng khoa” nhưng thực chất lại lừa dẫn họ đi tới phòng khám tư nhân thực hiện nhiều xét nghiệm tới hàng triệu đồng.
Nhiều bệnh viện lớn cũng đau đầu tìm biện pháp xử lý “cò” nhưng chưa bệnh viện nào dám khẳng định nhân viên của bệnh viện không “bắt tay” với “cò”.
Theo bà Trịnh Thị Hồng Lý thì không có bác sĩ nào của Bệnh viện Mắt Trung ương làm ở phòng khám ngoài trên đường Bùi Thị Xuân và Bà Triệu. Khi phóng viên đặt câu hỏi, liệu nhân viên của bệnh viện có bắt tay với “cò” hay không thì bà Lý cho biết, qua nhiều năm phối hợp với lực lượng Công an chưa phát hiện vụ việc nào nhân viên của bệnh viện phối hợp với “cò” để đưa người bệnh vào khám nhanh.
Nhưng bà Lý cũng không khẳng định chuyện này là không có, mà bệnh viện thường xuyên nhắc nhở trong các cuộc họp giao ban, nếu phát hiện bác sĩ tiếp tay cho “cò” thì bệnh viện có hình thức kỷ luật là cho thôi việc.
“Bệnh viện thực hiện quy trình khám khép kín, quản lý bệnh nhân đến khám bằng mã bệnh nhân lưu trong máy tính nên không thể chèn trước số khám được. Bệnh viện khẳng định không có chuyện gửi bệnh nhân ra phòng khám ngoài làm xét nghiệm”- bà Lý cho biết.
Theo ông Nguyễn Tôn Đạo, trong những năm qua lực lượng bảo vệ của Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với lực lượng Công an đã bắt giữ được nhiều đối tượng “cò” dẫn người bệnh đi khám.
Gần đây nhất, qua công tác kiểm tra đã phát hiện Phạm Thanh Hương, nhân viên Phòng khám 127, số nhà 159 phố Lê Thanh Nghị do có quen biết với một nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai, hai người thỏa thuận đưa một số bệnh nhân ra phòng khám của Hương làm dịch vụ. Sau đó, Hương có nhiệm vụ dẫn người bệnh từ phòng khám trở lại Khoa chẩn đoán hình ảnh để làm một số dịch vụ như điện não đồ... Mỗi trường hợp Hương đưa cho nhân viên y tế của bệnh viện 50.000đ.
Mặc dù nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã sử dụng nhiều biện pháp chống “cò” như đưa giờ mở cổng bệnh viện sớm hơn (từ 6h sáng thành 5h sáng để người dân ngoại tỉnh tới khám sớm vào trong tránh bị đối tượng cò lôi kéo, lợi dụng), tăng bàn khám, phát cảnh báo trên loa từ 5h sáng… nhưng tại cổng các bệnh viện 108, Bạch Mai, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện K “cò” vẫn tụ tập đông từ sáng sớm để lôi kéo, mời chào, dụ dỗ người dân.
Chính vì thế, tình trạng “cò” bệnh viện nhiều năm nay vẫn chưa xử lý được. Các đối tượng vẫn lộng hành để “lừa” người bệnh.
Hiện chế tài xử lý các đối tượng này chỉ là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt thấp, không đủ yếu tố răn đe nên vừa xử lý xong các đối tượng lại vi phạm. Những đối tượng “cò” hoạt động nhẵn mặt ở cổng bệnh viện, bảo vệ, lực lượng xử lý đều quen mặt, có đối tượng nhiều lần bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm.
Không chỉ làm xấu hình ảnh của Thủ đô, “cò” bệnh viện còn kéo theo hệ lụy cho người bệnh, khiến nhiều người bệnh bị mất đi cơ hội khám chữa bệnh kịp thời bởi bị đưa vào phòng khám không đúng chuyên môn hoặc chuyên môn thấp. Thiết nghĩ, Hà Nội cần phải có giải pháp xử lý nghiêm minh đối với hoạt động “cò” đang lộng hành như hiện nay.
Theo Nhóm PV/ Công an nhân dân