Tỷ phú nông dân Lâm Văn Giàng
Cập nhật lúc 22:09, Thứ bảy, 28/09/2013 (GMT+7)
Đón chúng tôi bằng xe ôtô, yêu cầu sát trùng và mang ủng chuyên dụng khi vào tham quan trang trại, đối đãi với người làm như người nhà... đó là chân dung lão nông Lâm Văn Giàng (A Giàng), tỷ phú người dân tộc Tày tại ấp Chà Lon, xã Minh Đức (Hớn Quản). (nuôi heo, tỷ phú, tỷ phú nông dân)
Đón chúng tôi bằng xe ôtô, yêu cầu sát trùng và mang ủng chuyên dụng khi vào tham quan trang trại, đối đãi với người làm như người nhà... đó là chân dung lão nông Lâm Văn Giàng (A Giàng), tỷ phú người dân tộc Tày tại ấp Chà Lon, xã Minh Đức (Hớn Quản).
Nhìn thấy cơ ngơi hôm nay, ít ai biết được hơn 20 năm trước vì quá nghèo khó mà cả gia đình ông Lâm Văn Giàng phải di cư từ tỉnh Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp. 17 tuổi, A Giàng là một trai làng nghèo xuống Hà Nội ở nhờ nhà chú theo học phổ thông. Bản tính tự lập, chịu thương, chịu khó nên một buổi A Giàng đi học, một buổi tự tay nấu kẹo kéo đi bán tại các rạp chiếu bóng.
|
Ông A Giàng kiểm tra trại heo mỗi ngày |
20 tuổi, A Giàng lấy vợ và được bố mẹ cho 1 con trâu, 1 ha đất rẫy, 2 sào ruộng lúa. A Giàng giao việc nhà cho vợ và đi buôn lúa, buôn trâu, buôn đất. Nắm bắt được cơ hội, biết trước biết sau nên A Giàng tích cóp được tiền và đầu tư mua thêm đất. Bắt đầu từ cây điều, tiêu, cà phê, cao su, gia đình đã lấy ngắn nuôi dài, lấy cây này nuôi cây kia và tham gia nhiều lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm để đưa khoa học công nghệ vào vườn cây, cải tạo đất tăng năng suất cây trồng. A Giàng kể: Khi đã mua được 20 ha đất, tôi vẫn tự tay mình đi phát rẫy, không thuê một công lao động nào, trong nhà không có một tài sản đáng giá. Khi người ta đi làm đã thấy tôi, còn khi tôi về thì không còn ai làm nữa. Tôi lao động miệt mài suốt một thời gian dài và chỉ bỏ cái cuốc vài năm nay.
Bà Nguyễn Thị Phố, Chủ tịch Hội nông dân kiêm Chủ tịch Công đoàn xã Minh Đức cho biết: Ông Lâm Văn Giàng nhiệt tình với công tác hội. Hằng năm ông Giàng đóng góp và tài trợ nhiều nguồn quỹ do hội vận động. Ông Lâm Văn Giàng là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh 3 năm liền, sắp tới được tuyên dương toàn khu vực Đông Nam bộ, là nông dân trồng điều giỏi. |
Hiện ông Giàng sở hữu 54 ha đất, trong đó có 18 ha điều và cà phê, còn lại là cao su. Ông Giàng còn có một trại nuôi heo hợp đồng với công ty cổ phần có quy mô 800 con và một cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Công việc quản lý 25 lao động của ông cũng nhẹ tênh như lời ông nói: Tôi phân công mỗi người một việc, tin tưởng và giao hẳn cho họ, việc khó họ không làm được mình mới giải quyết. Trong công việc, tôi chú trọng hoàn thành từng việc một; xử lý việc gì cũng phải cân nhắc, có đủ thông tin để người được hay mất cũng phải nể trọng mình.
Những lao động làm việc cho ông hầu hết là người quen, có khi cả gia đình như vợ chồng anh Nguyễn Phú Trọng - chị Hoàng Thị Nguyễn; hay 5 anh chị em mồ côi Hoàng Thị Thương; gắn bó gần 10 năm như chị Dương Thị Minh, Nguyễn Thị Tâm. Họ cho biết ông chủ A Giàng là người sống hòa đồng, tận tình giúp đỡ người nghèo, khó khăn. Ngoài ra, nhiều năm nay ông đều bỏ ra 15-20 triệu đồng/năm hỗ trợ các phong trào nhân đạo từ thiện ở ấp, xã và huyện.
Vinh dự của A Giàng là được mọi người yêu mến. Ông chia sẻ: Năm 2008 tôi làm Chi hội trưởng nông dân ấp Chà Lon, đến năm 2010 thì được kết nạp Đảng. Năm 2012, trong đại hội hội nông dân nhiệm kỳ 2012-2017, tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội nông dân xã với số phiếu rất cao. Lòng tin của hội viên và người dân chính là động lực giúp tôi gắn bó với công tác này, muốn đem kiến thức thực tế của mình giúp nhiều người khác.
Có được cơ ngơi tiền tỷ ngày hôm nay, ông cho rằng không phải chỉ gặp may mắn. “Gặp thất bại rất nhiều, nhưng tôi không nản chí. Với tôi nản chí mới là thất bại. Mỗi lần thất bại tôi lại càng cố gắng hoàn thiện cái mình chưa có, chưa được và tuyệt nhiên không bằng lòng với hiện tại. Nếu trước kia tôi làm nhiều hơn nghĩ, thì bây giờ tôi đã có nhiều thời gian để chiêm nghiệm cuộc sống. Tôi mong con cái trưởng thành và tôi có thể làm được nhiều việc hơn để đóng góp cho xã hội”.
Theo Báo Bình Phước
.