Một lần đi bán rau lang, chị Hoa bị dụ dỗ bán sáng Trung Quốc làm vợ người đàn ông hơn mình 10 tuổi. 23 năm lưu lạc xứ người với bao hờn tủi, đầu tháng 6, chị đã trở về nhờ sự giúp đỡ của người đồng hương.
|
Sau 23 năm lưu lạc xứ người, chị Hoa mới được giải cứu đưa về quê. Ảnh: Lê Hoàng |
Gần tuần nay, căn nhà nhỏ nằm dưới chân núi Nưa (xã Vân Sơn, Triệu Sơn, Thanh Hóa) của gia đình cụ Lê Thị Phường đầy ắp tiếng cười nói rôm rả. Nghe tin con gái út của cụ Phường sau 23 năm mất tích bỗng trở về đoàn tụ với gia đình, người thân và hàng xóm kéo đến chia vui.
Miệng tóp tép nhai trầu, cụ Phường bảo năm nay đã 82 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời cũng không nghĩ lại có hạnh phúc đến vậy. Đưa bàn tay gầy guộc bổ cau têm trầu mời khách, chốc chốc cụ Phường lại quay mặt về phía con gái nhoẻn miệng cười. Thi thoảng nước mắt cụ lại rơi dài trên gò má hõm sâu.
“Suốt tuần nay, từ khi gặp con gái, chẳng đêm nào tôi ngủ được tròn canh. Hai mẹ con ngủ chung giường, cả đêm tôi cứ ôm chặt lấy con như đứa trẻ lên ba vậy”, cụ Phường tâm sự và cho biết, mỗi khi có việc ra khỏi nhà, cụ chỉ trông mau về với con vì “sợ nó buồn rồi lại rời xa mình thêm lần nữa”.
Cụ Phường kể, quê ở Triệu Sơn, gần 40 tuổi cụ về làm lẽ người đàn ông luống tuổi ở huyện Hoằng Hóa. Hai người sinh được 3 con, hai gái, một trai. Vì cuộc sống đồng chiêm nước lợ khó khăn nên bà Phường quyết định chia tay gia đình chồng rồi bồng ba đứa con nhỏ trở về quê vào chân núi Nưa khai khẩn đất hoang. Đến tuổi trưởng thành, hai con lớn của bà vào Nam làm công nhân còn bà Phường ở nhà với cô con út.
Nghề phu củi vốn khó nhọc nên bà không cho Hoa lên rừng mà ở nhà trồng rau lang đem ra chợ bán cho nhàn thân. Bà Phường không ngờ, trong một lần quẩy gánh rau lang ra chợ, cô út đã nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu rồi bỏ nhà đi biệt xứ.
|
Sự trở về đường đột của con gái khiến cụ Phường và gia đình vui mừng khôn xiết. Ảnh: Lê Hoàng |
“Bữa đó khoảng giữa hè năm 1990, Hoa tròn 15 tuổi. Như thường nhật, nó xin tôi đi bán rau ngoài chợ. Con gái rời khỏi nhà, tôi cũng vác đòn càn đi về cánh rừng già phía sau làng. Nhập nhoạng tối, tôi trở về nhà không thấy bóng Hoa, bếp lửa vắng tanh. Tìm quanh chẳng thấy con, tôi hớt hải đi hỏi hàng xóm nhưng chẳng ai biết con mình ở đâu. Rồi nó đi mãi... Tôi cứ nghĩ, con giận mình đẻ nó ra rồi nhốt trong cảnh nghèo túng nên tìm nơi xa hoa. Nào ngờ nó đã bị bán sang xứ người”, nói đến đây, cụ bà bật khóc.
Những năm tháng sau đó, bà Phường lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, lân la lên miền rừng, tận các vùng biên giới để tìm con nhưng đều bặt vô âm tín. “Hễ nghe có người tin vừa bắt gặp ai đó giống con gái, tôi đều đến tận nơi, bất kể nắng mưa, bão bùng hay đêm tối”, cụ Phường kể và cho biết, phận làm cha mẹ để mất con là lỗi lớn nên bằng mọi giá phải tìm cho được.
Kể từ đó, mỗi ngày bà phải làm việc bằng hai. Cứ 10 ngày đi chặt củi, bà lại đổi được 60 bơ gạo. Bà không dám ăn gạo trắng mà chỉ ăn khoai lang, để dành dụm tiền làm lộ phí đi tìm con gái. Có khi bà phải đi vay nặng lãi khắp làng trên xóm dưới rồi sau mỗi chuyến đi lại quay về làm công trả nợ. “23 năm qua, chưa lúc nào tôi nguôi ngoai nỗi đau mất con. Không tìm được con, tôi chết cũng không thể nhắm mắt”, cụ bà quả quyết. Sau này có tivi, bà liên tục đăng tin nhắn tìm con nhưng không có kết quả.
Ở tuổi xế chiều, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng trong mỗi câu chuyện, cụ Phường đều nhắc đến người con gái út. Và niềm vui đến thật bất ngờ. Chập tối 18/6, nghe dân làng kháo nhau đài truyền hình chuẩn bị phát bản tin có người con gái tầm 40 tuổi, thất lạc gia đình nhiều năm, nay trở về tìm người thân. Linh tính mách bảo, bà Phường bước thấp bước cao chạy sang hàng xóm nhờ người bật tivi để xem thực hư.
“Khi màn hình tivi bật lên thì bản tin đã gần hết, chỉ còn tấm hình cô gái. Tôi ghé mắt thật sát chiếc tivi để nhìn cho rõ thì chân tay bủn rủn như muốn rụng rời. Trong ánh sáng loang loáng, tôi kịp nhận ra vết sẹo dài dưới mi mắt phía trên gò má phải trong tấm hình kia không ai khác chính là của cái Hoa... Con Hoa, đúng nó rồi...”, cụ bà òa khóc rồi ngay trong đêm gọi điện khẩn cho người con lớn đang công tác ở Hà Nội trở về nhà gấp.
Tờ mờ sáng hôm sau, cả nhà đưa cụ Phường về huyện Nga Sơn, nơi chị Hoa đang tá túc. “23 năm xa cách, đứa con gái bé nhỏ ngày nào giờ đã gần 40 tuổi. Dù thân hình thay đổi theo thời gian nhưng hình hài ấy, nét mặt ấy, vết sẹo kia không thể lẫn vào đâu được”, cụ Phường kể. Giây phút gặp nhau, chẳng ai nói được câu nào, chỉ ôm chầm lấy nhau rồi òa khóc. Họ cảm ơn ân nhân rồi trở về quê nhà. Đêm ấy, cả gia đình không ngủ.
Vì xa quê hơn 20 năm, lại bị cắt mọi mối giao tiếp với người Việt nên chị Hoa đã không thể nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Chị trò chuyện với gia đình chỉ bằng cử chỉ và ánh mắt. Cụ Phường bảo, đều đặn mỗi ngày lại cầm tay con dạy viết, mỗi bữa vài chữ để chị làm quen với tiếng Việt.
|
Không biết tiếng Việt nên trong bản khai với công an, chị Hoa phải điểm chỉ. Ảnh: Lê Hoàng |
Câu chuyện chị Hoa phiêu dạt nơi xứ người hơn 20 năm qua chỉ được biết qua lời kể bằng tiếng Trung Quốc của chị với một người bạn rằng ngày đó, chị bị một người lạ lừa đi làm ôsin trên thị xã với mức lương bằng mấy gánh dây khoai lang. Tin họ, chị lẳng lặng đi theo mà không xin phép mẹ. Chuyến xe đưa chị đi xa mãi đến vùng biên giới...
Khi đặt chân đến vùng đất xa lạ, gặp toàn người chưa từng quen biết, chị mới biết cuộc đời mình đã rẽ sang hướng khác. Hoa bị ép gả cho một người đàn ông hơn mình 10 tuổi ở Quảng Tây, Trung Quốc. Đã không ít lần chị bỏ trốn nhưng không thành. Cuối cùng chị chấp nhận ở lại làm vợ và 2 đứa con lần lượt ra đời. Ký ức về gia đình Việt chỉ là vết chàm sau gáy người anh, nốt ruồi trên cằm người chị và mẹ già tên Phường...
Nếu không có cuộc gặp gỡ với anh Hỏa Ngọc Ngữ (ở xã Nga Nhân, huyện Nga Sơn) có lẽ mãi mãi chị Hoa phải sống kiếp tha phương nơi xứ người. Anh Ngữ vốn có người em lưu lạc bên Trung Quốc suốt 18 năm. Chị này có cuộc sống gia đình ổn định nên ở lại bên đó, thi thoảng mới về thăm quê. Đầu tháng 6 năm nay, anh Ngữ sang Trung Quốc thăm em gái thì gặp chị Hoa. Qua cuộc nói chuyện với em gái, anh Ngữ hiểu và cảm nhận nỗi đau từng mất em gái, rồi anh quyết định đưa chị Hoa trốn về quê.
Ngày 14/6, sau hành trình dài chạy trốn, anh Ngữ và chị Hoa đặt chân đến Việt Nam. Việc đầu tiên anh làm là đến cơ quan công an trình báo. Sau đó, dựa vào các manh mối mà chị Hoa nhớ được, họ rong ruổi 3 ngày khắp Thanh Hóa nhưng không có kết quả. Anh Ngữ tiếp tục tìm đến Đài truyền hình Thanh Hóa để đăng tin. Sau bản tin ngày 18/6, gia đình chị Hoa đã tìm đến nhận người thân.
“Quả là một cuộc gặp gỡ mừng vui đẫm nước mắt. Nghe em gái kể chuyện cô Hoa, không hiểu sao tôi đã nghĩ phải quyết tâm tìm bằng được gia đình cho cô ấy. Biết là con đường trở về lắm gian nan nhưng tình người là trên hết. Chỉ gặp vài lần nhưng tôi xem cô ấy như em gái. Giờ cô ấy đã đoàn tụ gia đình tôi cũng thấy vui lây”, anh Ngữ chia sẻ và cho biết, vì chị Hoa không biết tiếng Việt nên mọi việc từ trình báo cho đến viết giấy kê khai đều do anh đảm nhận.
Còn chị Hoa, trở về nhà, bao tâm sự chất chứa trong lòng cũng không biết giãi bày cùng ai, cũng không hiểu người thân mình nói gì... Điều đặc biệt, dù không hiểu tiếng Việt nhưng chị Hoa luôn miệng hoa chân múa tay ra dấu hiệu “chỉ ở nhà với mẹ thôi, không sang Trung Quốc đâu” mỗi khi có người lạ đến nhà.
Ông Hoàng Khắc Huy, Phó trưởng công an xã Vân Sơn cho biết, địa phương đã yêu cầu chị Hoa và gia đình tường trình về việc chị trở về quê sau mấy chục năm thất lạc. Tuy nhiên, do chị Hoa không biết chữ cũng như không nói được tiếng Việt khiến việc khai thác thông tin gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Huy, hiện khẩu chị Hoa không còn trong sổ gia đình nhưng vẫn còn lưu ở địa phương, tuy nhiên vẫn phải chờ các cơ quan chức năng xác minh, sau đó mới khôi phục hộ khẩu trở lại.
Theo Lê Hoàng
VnExpress