Tranh cãi xung quanh đề xuất “khai tử” xăng A95
Cập nhật lúc 18:06, Thứ tư, 09/05/2018 (GMT+7)
Mới đây, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP. HCM (Saigon Petro) đã có đề xuất loại hẳn xăng A95 để chuyển sang bán xăng E5. Nếu như đề xuất này được thông qua thì người tiêu dùng không còn cách nào khác là buộc phải dùng xăng sinh học. Dư luận đang có nhiều luồng ý kiến xung quanh đề xuất này.
Người tiêu dùng không có sự lựa chọn?
Xăng truyền thống A92, A95 là loại xăng khoáng hay xăng nguyên chất được làm từ dầu thô. Đây là nguồn nhiên liệu phụ thuộc hoàn toàn vào các mỏ khoáng sản như dầu khí. Nguồn khí tự nhiên này sẽ dần cạn kiệt, nếu có tái tạo thì cần thời gian dài tới hàng trăm triệu năm nữa. Và để tránh lệ thuộc vào xăng khoáng, xăng nguyên chất, con người đã tìm ra nguyên liệu là Ethanol để thay thế dần xăng và có thể tái tạo được một cách dễ dàng.
Ethanol là cồn sinh học, nó có tính cháy sinh nhiệt như xăng, được sản xuất từ sản phẩm nông nghiệp như: sắn, lúa mỳ... Để pha cồn vào xăng, người ta đã tính theo những tỉ lệ nhất định như: pha 5% Ethanol với 95% xăng khoáng thì sẽ được nhiên liệu xăng E5 như loại xăng đang bán ở thị trường nước ta. Ngoài E5 thì ở các quốc gia châu Âu và Mỹ đã sử dụng những loại xăng pha tỉ lệ cao hơn như là E10, E25 hay thậm chí là E85 như ở Thụy Điển (E85 có tới 85% là Ethanol và chỉ 15% là xăng khoáng). Tại Việt Nam, từ năm 2018 mới bắt đầu chuyển sang dùng xăng E5.
Và sau khi đề xuất bỏ xăng A92 được chấp thuận thì người tiêu dùng vẫn còn hai sự lựa chọn là xăng A95 và xăng sinh học E5.
Tuy nhiên, mới đây Saigon Petro lại đưa ra đề xuất bỏ hẳn loại xăng khoáng truyền thống để chuyển sang chỉ bán xăng sinh học. Điều này gây nên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đặc biệt, nhiều ý kiến hoài nghi những lợi ích có thực sự chỉ vì người tiêu dùng?
Thực tế, từ khi có xăng E5 thì nhiều cây xăng (đơn cử ở Hà Nội) đã chuyển nhiều trụ bơm xăng từ xăng truyền thống sang E5. Tuy nhiên, lượng người mua xăng A95 vẫn còn cao và phần lớn người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào xăng E5.
Một thống kê cho thấy, trên địa bàn TP. Hà Nội, trong thời gian chưa có xăng E5 thì xăng A92 vẫn chiếm thị phần và A95 chỉ chiếm 15% thị phần. Nhưng khi có xăng E5 thì xăng A95 đã tăng lên 58% lượng tiêu thụ, trong khi E5 chỉ 42%.
Ông Lê Văn Hùng, một người dân cho rằng: Từ khi xăng E5 được bán trên thị trường, ông chưa bao giờ dùng xăng E5 mà chỉ chọn A95 vì ông chưa tin tưởng về chất lượng. Hơn nữa, xe của ông là xe cũ nên sợ dùng xăng sinh học sẽ không đảm bảo, nhanh hỏng xe.
Nhiều người dân cũng băn khoăn về quy trình pha Ethanol vào xăng để có xăng E5 có được giám sát chặt chẽ hay không?
Độc quyền bán Ethanol?
Nếu như đề xuất của Saigon Petro được thông qua, xem như người dân không có lựa chọn nào khác là phải dùng xăng sinh học E5. Vậy, đối tượng hưởng lợi lúc này thực sự là ai?
Đánh giá về xăng sinh học E5, ông Lê Văn Hiệu, một người am hiểu về lĩnh vực xăng dầu cho rằng: Chất lượng ở đây là một điều đáng bàn. Kể cả sản phẩm A92, A95 hay E5, việc “cởi mở” cho người dân quy trình sản xuất, pha chế, giám sát là rất quan trọng. Ví dụ như trước đây, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã pha chế xăng A92 không đúng quy định dẫn đến bán cho người dân sản phẩm không đạt chất lượng. Sản phẩm E5 là mới với nước ta nhưng không mới đối với thế giới, nên phải có thời gian cho người dân hiểu và chưa nên loại bỏ xăng truyền thống mà phải cùng tồn tại song song. Tuy nhiên, để tồn tại song song thì mặt hàng E5 sẽ khó bán hơn A95. Điều này lại phải cần hoạch định truyền thông của các doanh nghiệp và nhà nước.
Đối với doanh nghiệp thì hiện nay, loại cồn sinh học (Ethanol) để pha vào xăng cho ra xăng E5 có một doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu này là Công ty TNHH Tùng Lâm. Theo nguồn tin thì trong 10 tháng trở lại đây, giá sắn tăng gấp 1,5 lần, từ 3.600 đồng lên 5.600 đồng/kg, kéo theo giá Ethanol tăng theo. Vậy, chỉ một công ty sản xuất lĩnh vực này có dẫn tới sự độc quyền hay không? Và đương nhiên theo đánh giá một số chuyên gia, nếu tình trạng này xảy ra sẽ có sự tăng giá của E5, và khi đó sự độc quyền sẽ hiện hữu. Vì thế, cần có sự cạnh tranh trong việc cung cấp Ethanol trong lĩnh vực xăng dầu để sản xuất xăng sinh học E5.
Đến nay, việc có nên loại bỏ xăng khoáng A95 để chuyển hoàn toàn sang dùng xăng sinh học E5 hay không đang là vấn đề gây tranh cãi. Để có quyết định cuối cùng thì các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo, lấy ý kiến các nhà khoa học và người dân.
PV