Phương pháp xông gia truyền bằng thuốc nam chữa bại liệt của bà lang Bùi Thị Vội, 50 tuổi, xóm Lương Cao, xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là sự tổng hòa đến kỳ diệu của khoảng 70 loại thảo dược khác nhau, được hái ở các vùng núi đá hiểm trở…

 
Niềm đam mê thuốc nam…
 
Tỉnh Hòa Bình, vốn được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho rất nhiều thảo dược quý, giúp những thầy lang bản địa tạo nên các phương thuốc chữa bệnh “thần kỳ”. Trong một chuyến đi công tác, tôi tình cờ được người dân bản địa cho biết, tại xã Lạc Lương, có bà lang Bùi Thị Vội, với phương thuốc bí truyền chữa bại liệt “kỳ diệu”. Nhiều trường hợp, BV “bó tay”, nhưng bà đã chữa khỏi.
 
 
PV đã tìm về địa phương nơi bà lang Mường sinh sống để xác thực sự việc. Trong tâm trí của những người thân, năng khiếu về thuốc nam đã sớm bộc lộ trong con người cô bé Bùi Thị Vội. Hồi nhỏ, mỗi lần đi học về là Vội lại theo mế hái thuốc, chỉ cần thấy mế hái cây nào là Vội hỏi tường tận và chỉ cần được bảo một lần là “nhớ mặt” cây thuốc. Chính vì niềm đam mê đó mà bà Vội đã được mế truyền lại bài thuốc gia truyền chuyên chữa các trường hợp bại liệt. Tất cả các bài thuốc mế dạy đều được bà ghi rất cẩn thận vào cuốn sổ. Trước khi mất, mế còn ân cần dặn dò: “Bài thuốc gia truyền chuyên chữa các bệnh bại liệt của nhà mình nổi tiếng ở xứ Mường này đấy! Con phải nhớ lấy, đừng để thất truyền. Con hãy thay mẹ cứu giúp dân bản, những người không may bị bại liệt”.
 
Ghi nhớ lời mẹ, bà Vội không ngừng trau dồi kiến thức về những loại thuốc nam không chỉ thông qua sách vở mà còn từ nhiều thầy lang khác. Niềm đam mê đối với thuốc nam khiến người phụ nữ có thân hình gày gò, nhưng rắn rỏi này không quản ngại khó khăn, vất vả, lặn lội vào rừng sâu, trèo lên những ngọn núi cao để kiếm tìm thảo dược quý, mong tạo ra những bài thuốc có thể cứu giúp người. Bà Vội chia sẻ: “Tôi có thể nhớ được cây thuốc nằm ở vị trí nào nên có đi ban đêm tôi cũng nhận ra. Với lại, khi có người đến cầu cứu mà mình không đi lấy thuốc cho họ là tôi lại bị ốm”.
 
Mặc dù đam mê cây thuốc nam nhưng khi được vận động ra làm bên đoàn xã, bà Vội vẫn tham gia và được bầu làm Phó Bí thư đoàn. Bà còn được bầu làm Hội trưởng Hội phụ nữ xóm. Bây giờ lại giữ trọng trách phó thôn. Mặc dù tham gia hoạt động ở xã, thôn nhưng cứ rảnh rỗi là bà lại tranh thủ đi hái thuốc. Tuy bận bịu nhưng người phụ nữ này chưa bao giờ kêu ca nửa lời. Hơn ai hết, bà cảm thấy sự quý giá của lao động: “Bận bịu là niềm vui của tôi, tôi không thể chịu được cuộc sống nhàn nhã. Chính vì thế mà khi tôi giúp những người “không có khả năng lao động” có được cuộc sống bình thường là tôi thấy vui rồi”.
 
1 bài thuốc = 70 loại thảo dược quý…
 
Đã từng cứu chữa nhiều bệnh nhân bị bại liệt qua nhiều năm, bà Vội đúc kết cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm quý báu về bệnh bại liệt. Bà lang Mường cho biết, bệnh bại liệt do rất nhiều nguyên nhân khác nhau đưa tới như: Do chấn thương sọ não, nhồi máu não và xuất huyết não, viêm tắc mạch não, bệnh thần kinh co giật, hay các nguyên nhân gây tổn thương các nơron vận động… Có rất nhiều kiểu liệt khác nhau: Liệt toàn thân, liệt nửa người, liệt hai chân, liệt hai tay… 
 
Bà Vội cho rằng mình có thể trị dứt bại liệt bằng những cây thuốc nam. Bài thuốc của bà không như những bài thuốc nam của các lang y khác. Nó là sự tổng hòa từ khoảng 70 loại thảo dược khác nhau như: Cây lá gân, cây dừa ma, cây gai nhọn, cây nhâm lợn, cây lá trơn, cây gió co, lá măng trẹo, cây ngải cứu, lá cây nhâm, lá tháo cú… Đây là những loại thảo dược đã được bà hái về từ các ngọn núi cao, rừng sâu. Thang thuốc chỉ thực sự hiệu nghiệm khi tìm đầy đủ 70 loại thảo dược.
 
Quá trình tạo nên bài thuốc chữa bại liệt trên trải qua rất nhiều công đoạn: Đầu tiên là phải rửa sạch, dùng dao băm nhỏ khoảng 3cm. Trộn đều các loại cây với nhau và đem phơi qua 6 đến 7 nắng. Lúc nào thấy thuốc khô cứng, vò thấy nát là được. Cất vào nơi khô ráo để sử dụng dần.
  
Một lần xông tương ứng với 2kg lá thuốc. Bỏ thuốc vào nồi to để đun sôi. Không nên mở vung khi đun, nếu không thuốc sẽ bay hết chất. Đun khoảng 30 phút rồi bắc xuống, dùng miếng gỗ đóng thành một cái giá thưa để cho hơi thuốc có thể  lọt qua. Sau đó, cho bệnh nhân ngồi lên tấm giá đỡ. Dùng chăn hay một tấm khăn phủ toàn cơ thể cho thuốc có thể tỏa ra khắp người. Chú ý, khi trùm chăn cho bệnh nhân phải có người giữ bệnh nhân ở tư thế ngồi trong vòng 10 phút, rồi mở ra để tránh bị ngạt. Một ngày xông hai lần vào buổi sáng và tối. Một thang dùng được 3 lần, mỗi lần đun để được 3 ngày mới đun tiếp nồi khác. 
 
Bà Vội căn dặn, trong thời gian điều trị, tuyệt đối không cho ăn một số thức ăn có tác dụng phá thuốc như: Cơm nếp, cá mè, thịt chó, thịt vịt. Nếu không kiêng được thì rất khó chữa khỏi.
 
Thực hư công dụng bài thuốc quý
 
Để cho bài viết thực sự khách quan, PV đã liên hệ với những bệnh nhân bị bại liệt từng được bà lang Bùi Thị Vội cứu giúp.
 
Ông Bùi Văn Minh, đội II, xóm Lương Cao là một trong số rất nhiều bệnh nhân đã từng trong tình trạng “thập tử nhất sinh”: Thần kinh bị bại liệt, hai chân đều không đi được do bị tắc tủy. Cả nhà chạy vạy vay tiền đưa ông đi khắp các BV lớn nhỏ nhưng đều vô vọng. Gia đình đành đưa ông Minh về nhà. Biết tin, bà Vội đã tìm đến xin được chữa thử xem thế nào. Sau khi thăm khám bà Vội đã lặn lội mất 2 ngày đi khắp các vùng núi đá, rừng sâu ở huyện Yên Thủy để tìm cho đủ thảo dược làm thuốc xông. Kỳ diệu thay, sau khi xông thuốc thì  bệnh tình của ông Minh có sự biến chuyển. Đến ngày thứ ba, ông Minh đã đứng được và tự lê chân đi. Sau khi chữa trị một tháng, ông Minh đã đi lại bình thường. 
 
Trường hợp cháu Bùi Văn Hải, SN 1999, ở xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, cũng nguy kịch không kém. Gia đình hết sức hoảng hốt khi bỗng dưng thấy Hải cứ bị co quắp các ngón chân, tay rồi ngã khuỵu xuống mà không rõ nguyên nhân. Nhiều lúc cháu đang chơi lại ngã ra đất. Số lần cháu ngã càng ngày càng nhiều, thời gian giữa những đợt ngã đột ngột ngày càng tăng lên. Có một hôm, bố mẹ đã cho cháu ăn cơm nếp và thịt chó thì cháu có biểu hiện rất đáng sợ: Chân tay co quắp, người run rẩy rồi cháu ngã đột ngột. Nghe dân làng chỉ dẫn, bà Vội ở xóm Lương Cao có thể chữa được, bố cháu mới chạy đến đón thầy lang về cứu con mình. Bà Vội cho rằng đó là bệnh co giật thần kinh. Chỉ xông hơn một tháng mà cháu Hải đã thoát khỏi căn bệnh đó.
 
Trao đổi với PV, ông Bùi Thanh Hùng, Trưởng thôn nơi bà Vội sinh sống cho biết: Phương thuốc chữa bại liệt của bà lang  Vội thực sự hiệu nghiệm. Mặc dù tất bật với công việc của xã, thôn nhưng bà vẫn tranh thủ những lúc rảnh để đi hái thuốc chữa bệnh cứu người. Bà con trong xóm ai bị bệnh cũng nhờ bà cứu giúp. Nhiều trường hợp, ở trong xóm cũng có người bị liệt toàn thân, BV đã trả về nhưng bà Vội vẫn chữa được khỏi. Mặc dù bà ấy lấy thuốc vất vả như thế nhưng bà chẳng bao giờ đòi tiền thù lao. Người dân tộc Mường có phong tục trả ơn gốc thuốc khi đã khỏi bệnh. Lễ vật để tạ ơn chỉ đơn giản là một chai rượu hay gói bánh, gói kẹo… 
 
Xuân Thắng – Kinh Kha
Pháp luật & Xã hội
.