Năm nay, tình trạng thu gom lá giá tỵ tiếp tục tái diễn ở huyện Định Quán. Nhiều khoảnh rừng giá tỵ, sau khi được nhặt lá sạch sẽ, chỉ còn lớp đất đá bị mất độ che phủ thường thấy. Mùa khô năm 2013, trên địa bàn huyện Định Quán đã diễn ra tình trạng thu gom lá giá tỵ khô một cách ồ ạt mà không rõ mục đích sử dụng.

Khi cây giá tỵ rụng lá, người dân một số xã thuộc 2 huyện Định Quán và Tân Phú lại tìm đến các khu rừng giá tỵ nhặt lá khô bán cho các công ty, cơ sở thu mua lá.

Kiếm tiền từ nhặt lá khô

Từ thị trấn Định Quán (huyện Định Quán), chạy xe theo quốc lộ 20 chưa đầy 10km, chúng tôi gặp ngay cánh rừng giá tỵ rộng bạt ngàn giáp ranh với huyện Tân Phú. Cây giá tỵ đang lúc rụng lá nên khắp mặt đất được bao phủ một lớp lá khô dày đặc, tạo cảm giác dễ chịu khi bước lên.
 

Rất đông người dân đến các khu rừng giá tỵ trên địa bàn huyện Định Quán thu gom lá khô.
Rất đông người dân đến các khu rừng giá tỵ trên địa bàn huyện Định Quán thu gom lá khô.


“Chúng tôi bắt đầu nhặt lá từ thời điểm trước tết, đến nay gần 2 tháng mà lá vẫn còn rất nhiều. Mỗi ngày, tôi có thể nhặt từ 50-70kg lá khô, chủ mướn trả công từ 1,8-2 ngàn đồng/kg. Những bao lá giá tỵ sau khi được thu gom sẽ để dọc 2 bên đường, đợi đến chiều tối xe của công ty đến chở” - bà Nguyễn Thị Lộc (68 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) cho biết.

Theo bà Lộc, mùa khô năm ngoái, có người thuê vợ chồng bà đi nhặt lá giá tỵ khô. Nhưng việc làm này không gặp thuận lợi, bởi sau một thời gian, công ty không thu nhận lá.

Mới đi nhặt lá hơn 2 ngày nay, chưa quen với công việc nên tiền công mà anh Nguyễn Hoàng Linh (35 tuổi, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú) thu về khá ít so với nhiều người khác. Cặm cụi nhặt từng chiếc lá khô, sau đó buộc thành bó to rồi nén chặt vào bao, anh Linh chia sẻ: “Tui không rõ việc làm này để làm gì, nhưng nhiều người rủ nhau đi nhặt thì tui cũng làm theo. Công việc không quá vất vả như mấy nghề khác, vì nhặt lá khô thì ai làm chả được lại dễ xin. Mỗi ngày, tui kiếm được 120 ngàn đồng tiền công từ việc nhặt lá giá tỵ khô”.

Tại lô 6-7, khoảnh II, nằm trên địa bàn 2 xã Phú Tân và Phú Lợi (huyện Định Quán), mỗi ngày có từ 30-40 người tập trung gom lá. Họ đến đây từ rất sớm, ai cũng mang theo giỏ đựng cơm, chai nước; sẵn sàng ăn, nghỉ ngay tại rừng để thuận tiện cho công việc. Một khoảnh rừng giá tỵ với từng lớp lá rụng trên đất dày đặc, chỉ sau 2-3 giờ đã được đám người này thu dọn không còn một mẩu lá khô.

“Để đáp ứng yêu cầu công ty đưa ra, chúng tôi phải nhặt thật nhanh. Họ khoán cho mình mỗi ngày phải đủ bao nhiêu kg lá, nên nhiều lúc tôi phải kêu cả nhà đi làm phụ. Quá trình nhặt lá, không được làm gãy cành cây, hay nhặt lá xanh, chỉ cần đảm bảo những yêu cầu này là được nhận vào làm” - bà Đỗ Thị Chuyên (41 tuổi, ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán) tâm sự.

Bà Chuyên nói thêm, với những cánh rừng giá tỵ rộng hàng trăm hécta, người nhặt chỉ có đau lưng, mỏi gối. Nhặt ở khoảnh rừng này xong thì chuyển sang khoảnh khác, công việc cứ tiếp diễn đến khi chiều tối mới thôi.

Thu gom tràn lan

Tại điểm thu gom lá giá tỵ khô của ông Phương Cảnh Thanh (xã Phú Tân, huyện Định Quán) luôn có hàng chục nhân công làm việc mỗi ngày. Theo lý giải của ông Thanh, cứ vào mùa giá tỵ thay lá, cơ sở của ông lại thuê người thu lá khô đem về ép thành bánh làm phân vi sinh.

“Hoạt động này góp phần hạn chế tình trạng cháy rừng vào mùa khô. Khi lớp biểu bì ngày một dày, nếu không được lấy đi thì rễ cây khó hô hấp, những cây con khó lớn. Chúng tôi chỉ khai thác lớp lá khô vừa rụng xuống, đảm bảo đúng mọi yêu cầu trong hợp đồng với Công ty một thành viên lâm nghiệp La Ngà và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú…” - ông Thanh cho biết.
 

Tại nhiều khoảnh rừng giá tỵ, lá khô bị thu gom sạch sẽ, không còn độ che phủ trên đất.
Tại nhiều khoảnh rừng giá tỵ, lá khô bị thu gom sạch sẽ, không còn độ che phủ trên đất.

 

Trong bản hướng dẫn việc tận thu lá giá tỵ của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, việc tận thu lá phải đảm bảo yêu cầu phòng cháy, chữa cháy rừng. Mức tận thu lá do chủ rừng xác định theo điều kiện cụ thể, nhưng không được vượt quá 70% đối với rừng trồng tập trung; tuyệt đối không được lợi dụng để khai thác lá tươi trên cây. Người tận thu lá, sau khi tách lấy phần thịt lá, phần gân và cuống lá phải rải trở lại hiện trường để trả lại dinh dưỡng cho đất.

Đứng ra làm đầu mối thu gom lá giá tỵ khô tại những khu rừng thuộc huyện Định Quán và Tân Phú là Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam bộ. Trong bản đăng ký khai thác, công ty xin thu lá giá tỵ khô tại các lô 1-5, khoảnh I và lô 6-8, khoảnh II với số lượng lá khô dự kiến gần 230 tấn; thời gian thực hiện từ ngày 27-12-2013 đến 30-4-2014. Tại mỗi khu rừng chỉ thu đúng 10kg lá khô rụng, sau đó cho tách riêng phần cuống và gân chính ra khỏi phần thịt lá.

“Chúng tôi thu mua không vượt quá 70% lượng lá khô tại rừng, tức là bỏ lại 30% lá và toàn bộ cuống lá. Lá thu về, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, rồi để vào kho tại trạm giống. Quá trình thu hoạch, chúng tôi luôn cho người giám sát kỹ việc đảm bảo an toàn phòng, chống cháy rừng; không để người làm nấu cơm, nhóm lửa, hút thuốc tại rừng” - ông Đỗ Hữu Đức, Trưởng trạm giống lâm nghiệp La Ngà (thuộc Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam bộ) cho hay.

Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày tại những khu rừng giá tỵ có rất đông người dân tập trung về thu gom lá cho 2 đơn vị trên. Hoạt động này diễn ra tràn lan mà không có sự giám sát của cơ quan chức năng, rất ít người nhặt lá chịu bỏ cuống theo yêu cầu công ty đưa ra. Hơn nữa, họ làm một cách ồ ạt, đi đến đâu lá khô được thu dọn sạch sẽ đến đó. Thậm chí, có những khoảnh rừng, lá giá tỵ bị lấy đi hết, trên mặt đất chỉ còn trơ lên đất, sỏi, làm mất đi độ che phủ thường thấy.

Một người dân sống cạnh khu rừng giá tỵ thuộc địa bàn huyện Định Quán cho biết: “Không biết lấy lá giá tỵ khô có ý nghĩa như thế nào, nhưng với kiểu thu mua thế này rất khó để biết được họ có thực hiện đúng như yêu cầu. Mạnh ai nấy làm, chẳng mấy chốc mà đất không đủ dinh dưỡng để nuôi cây phát triển. Lá khô cũng bán được, thì rừng khó mà giữ được”.


Theo Báo Đồng Nai

.