Trong đời, một cặp vợ chồng người Khùa nhất thiết phải tổ chức cưới 3 lần. Đó là phong tục của tổ tiên mà người Khùa không thể bỏ được, thế nên có nhiều cặp vợ chồng vì lý do này khác mà sống với nhau trọn đời, thậm chí đã chết vẫn chưa cưới xong.


Bố mất được 3 năm rồi, giờ Hồ Thon đã nuôi được con bò, con trâu to. Đây là tài sản lớn nhất của nhà Thon. Nếu bán đi Thon có thể mua được nhiều gạo, quần áo ấm cho các con. Để làm tròn trách nhiệm với bố, Thon quyết định mổ trâu, mổ bò mời bà con dân bản đến ăn cưới lần thứ 3 của bố. Cả bản hôm đó được ăn uống, linh đình. Chỉ có Thon là buồn so. Thon bảo, đời bố vất vả nhiều. Bố chẳng sống được đến ngày hôm nay mà hưởng lễ cưới lần thứ 3.

Đến UBND xã Trọng Hóa gặp ông Hồ Thoong hỏi về chuyện làm đám cưới cho người chết, ông Thoong xác nhận điều đó là đúng. Ông Thoong còn bảo, đời người nhất nhất phải cưới 3 lần. Người nào chết đi mà con cái không tổ chức cưới thì linh hồn họ chưa được siêu thoát. “Mỗi lần cưới xin là rất tốn kém nhưng chưa ai bỏ được cái tục này cả. Từ xa xưa các cụ mình đã làm vậy rồi mà. Con cháu bây giờ cứ thế mà làm theo thôi”, ông Thoong cho biết.

"Đánh ghen" độc đáo

Không biết có phải vì phải cưới nhau cực khổ như vậy nên người Khùa không bao giờ tính đến chuyện bỏ nhau, dù có nhiều lúc cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Theo ông Hồ Linh, người Khùa là một tộc người thông minh, hồn nhiên và hiếu khách. Đàn ông người Khùa giỏi làm rẫy, đan lát, đàn bà thì giỏi câu cá, trỉa ngô…

Trong đời sống hằng ngày, người Khùa thường gặp gỡ nhau ở trên rẫy, dưới suối nên nhiều khi cũng có một số người đàn ông, đàn bà người Khùa cảm tình nhau mà có quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Thấy vợ mình thời gian gần đây có những thay đổi bất thường, Hồ Ton ở bản La Trọng (xã Dân Hóa) đã theo dõi và biết được vợ mình có quan hệ tình cảm với Hồ Kha ở bản Hà Vi. Biết chính xác nơi Hồ Kha và vợ mình thường xuyên hẹn hò nhưng Hồ Ton không đến “bắt tại trận”. Ngay cả việc nói nặng lời với vợ một câu cũng không.

Hồ Ton lặng lẽ trở về nhà mua một con gà luộc sẵn và một chai rượu, sau đó mời Hồ Kha đến nhà chơi, uống rượu. Hồ Kha đến, sau một tuần rượu, Hồ Ton mới bắt đầu nói: “Tao biết chuyện của mày với vợ tao rồi. Từ nay mày đừng làm rứa nữa mà tao buồn cái bụng”. Ba mặt một lời, Hồ Kha không chối cãi mà xin lỗi Hồ Ton và hứa sẽ không làm việc đó nữa.

Người Khùa đã hứa là làm, và từ đó Hồ Kha sẽ không bao giờ “léng phéng” với vợ Hồ Ton nữa. Cuộc sống của vợ chồng Hồ Ton thì vẫn trở lại yên ấm bình thường. Còn Hồ Ton và Hồ Kha qua một thời gian đã hiểu nhau hơn và làm lễ buộc chỉ cổ tay cho nhau. Mà người Khùa đã buộc chỉ cổ tay với nhau thì đã xem nhau như anh em.

Tôi đem câu chuyện “đánh ghen” của Hồ Ton hỏi ông Hồ Tuân, Chủ tịch UBND xã Dân Hoá, ông Tuân xác nhận: “Đó là cách “giải quyết” của người Khùa. Tôi làm Chủ tịch xã 2 nhiệm kỳ rồi, chuyện như vậy tôi đã gặp nhưng chưa bao giờ phải giải quyết ly hôn cho cặp vợ chồng nào cả”.
 

Theo Linh Nhi
Nông nghiệp Việt Nam

.