Rừng Trung Sơn bị tàn phá
Cập nhật lúc 23:22, Thứ tư, 06/04/2016 (GMT+7)
Trước thông tin UBND thành phố Đà Nẵng công bố quy hoạch dự án Khu di tích đồi Trung Sơn (ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), thời gian gần đây, người dân địa phương đua nhau chặt phá, đốt cây rừng lấy diện tích đắp những ngôi mộ giả với ý đồ trục lợi trong quá trình giải tỏa, di dời. ( di dời, rừng già, giải tỏa, rừng)
Trước thông tin UBND thành phố Đà Nẵng công bố quy hoạch dự án Khu di tích đồi Trung Sơn (ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang), thời gian gần đây, người dân địa phương đua nhau chặt phá, đốt cây rừng lấy diện tích đắp những ngôi mộ giả với ý đồ trục lợi trong quá trình giải tỏa, di dời.
Sẽ xử lý nghiêm
Ông Nguyễn Thu, Chủ tịch UBND xã Hòa Liên, xác nhận tại địa phương có xảy ra sự việc trên. Trước thực tế đó, lực lượng công an, dân phòng xã Hòa Liên kết hợp với tổ tuần tra 8394 của địa phương ngày đêm túc trực tại khu vực này.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số dân quân thường trực, do địa hình quá rộng, cây cối rậm rạp, trong khi lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát hết tình hình. Người dân địa phương vì thông thuộc địa hình, biết rõ nhiều lối ra vào khu vực rừng Trung Sơn nên dễ dàng qua mắt lực lượng chức năng để thực hiện các hành vi trái phép.
Theo chính quyền xã Hòa Liên, rừng Trung Sơn lâu nay được 187 hộ dân sống xung quanh rừng bảo vệ. Khi dự án quy hoạch Khu di tích lịch sử đồi Trung Sơn được phê duyệt, có 62 hồ sơ là nhà cửa, vật kiến trúc khác như công trình văn hóa, lăng mộ, đền chùa các loại nằm trong khu vực quy hoạch phải di dời, giải tỏa, trong đó 42 hồ sơ là nhà của các hộ dân.
“Hiện tại, cán bộ xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tiếp cận hiện trường để tìm hiểu sự việc, thống kê số cây rừng bị chặt phá và số lượng mộ giả được lập nên. Những trường hợp phá rừng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Số lượng mồ mả tại rừng Trung Sơn từ trước đến nay đều được địa phương và người dân trong làng nắm rất rõ, vì ở làng Trung Sơn có những quy định rất riêng trong việc bảo vệ rừng cũng như chôn cất người chết tại đây.
Nay nếu có chuyện di dời, giải tỏa thì căn cứ theo số lượng mồ mả đã thống kê từ trước, nếu người dân có lập mộ giả đi chăng nữa thì cũng khó hưởng lợi từ nguồn đền bù, hỗ trợ kinh phí di dời của Nhà nước”, ông Thu cho biết.
Theo Báo Đà Nẵng
.