UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo”. Đây là một trong những hoạt động chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013 nhằm hướng tới trao đổi về quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn để bảo vệ, bảo tồn nguồn thủy sản, môi trường sinh thái biển; tuyên truyền về lợi ích và trách nhiệm của xã hội đối với các khu bảo tồn biển; xây dựng, phát triển và khẳng định thương hiệu biển Việt Nam gắn với xây dựng và quản lý bền vững các khu bảo tồn biển.
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn về biển, hải đảo, với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, có bờ biển dài trên 3.260km với trên 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo là Hoàng Sa, Trường Sa. Trung bình khoảng 100km2 đất liền có 1km đường bờ biển, trong khi tỷ lệ này của thế giới là 600 km2/km. Biển, Hải đảo Việt Nam có vị thế rất quan trọng đối với công tác an ninh - quốc phòng cũng như sự phát triển kinh tế đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì vùng biển Việt Nam có hệ động thực vật biển phong phú. Đến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Trong tổng số các loài được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy, hơn 2.000 loài cá (trong đó trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du... Đây thực sự là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá và có ý nghĩa quan trọng đối với một quốc gia biển như Việt Nam. Đó cũng chính là những di sản có giá trị lớn lao không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới cần được bảo vệ trước tình trạng có dấu hiệu suy giảm nhanh chóng do khai thác quá mức và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, việc xây dựng Khu bảo tồn (KBT) trở nên cấp thiết và bức bách hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban chỉ đạo Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2013: “Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Khu bảo tồn biển với việc phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển, hải đảo” với mục đích góp phần xây dựng và phát triển Thương hiệu Biển Việt Nam nói chung, thương hiệu các địa danh – trong đó có thương hiệu các Khu bảo tồn biển – là một trong những điều kiện để bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển và ven biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội phục vụ sự phát triển bền vững đất nước. Đối với tỉnh Hà Tĩnh, đây cũng là dịp tốt để giới thiệu, quảng bá tiềm năng kinh tế biển của Hà Tĩnh, góp phần tạo nguồn lực về tài chính, nhân lực...nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ và hội nhập trong nước, quốc tế”.
Mạng lưới KBT biển tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều tiến bộ, hiện đã có 5 KBT đã được thành lập và đi vào hoạt động, 5 KBT đã xây dựng xong đề án đề xuất thành lập, 3 KBT biển đã thành lập theo hệ thống KBT thiên nhiên (Cát Bà, Núi Chúa, Côn Đảo), từ nay đến năm 2015 sẽ tiến hành xây dựng tiếp 3 KBT. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Việt Cường, Cục Quản lý KBT và nguồn lợi thủy sản – Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra những thách thức khi triển khai thành lập các KBT biển như: sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành Trung ương; sự ủng hộ, phối hợp của địa phương trong quá trình thiết lập KBT; xung đột về phát triển kinh tế xã hội với bảo tồn, bảo vệ; chuyển đổi nghề, tạo sinh kế thay thế cho cộng đồng dân cư địa phương...
Theo Kỹ sư Phạm Quang Mỵ, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Biển Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, để giá trị các KBT biển được gia tăng cần: hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, pháp luật về biển và hải đảo; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KBT; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý; tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, phân vùng sử dụng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KBT biển; phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia xây dựng và quản lý các KBT biển; tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý KBT biển…
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, các doanh nhân, các tập đoàn kinh tế đã chia sẻ những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị về những vấn đề trong công tác xây dựng, quản lý, phát triển khu bảo tồn biển góp phần nâng cao giá trị thương hiệu từng KBT cụ thể, qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.
Thanh Tâm - Nhật Mai